Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

NGÀY CỦA MẸ ( MOTHE'S DAY )


Nhân NGÀY CỦA MẸ ( MOTHER'S DAY ) xin kính chúc các bà mẹ được tràn dầy ơn Thánh của Chúa - luôn tìm thấy nguồn vui và HẠNH PHÚC  trong gia đình - chu toàn trách nhiệm là linh mục của gia đình . Nhân NGÀY CỦA MẸ ( MOTHER'S  DAY ) Xin gởi tới các bạn bài cảm nghĩ sau đây :
                    "Mẹ ơi, không gì ngon bằng cơm với cá/
                       Có tình thương nào bằng má với con"

Từ khi con ra đời, một năm 365 ngày - ngày nào cũng là ngày của mẹ, của cha. Đơn giản một đứa trẻ không tự dưng mà có. Sểnh một ngày, lòng mẹ thấp thỏm, chẳng yên.

Hai người mẹ kiên nhẫn ngồi trong mưa đợi con đi thi - Ảnh: Như Hùng

Tự bao giờ ông bà ta có câu hát ru thấm thía: Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học mẹ đi trường đời.
Trường học của con
Trường học của con trĩu nặng cặp sách. Áp lực vượt trội khiến nhiều đứa trẻ xanh xám mặt mày khi mang điểm kém về nhà. Con trai tôi từng bật khóc nức nở khi nhìn thấy vẻ mặt hốt hoảng, thất thần của mẹ. Tôi tỉnh ngộ khi nghe con nói: “Con không khóc vì 2 điểm toán mà con khóc vì mẹ. Hãy tin ở con!”. Hơn lúc nào hết, tôi hiểu mình phải bình tĩnh, tìm ra căn nguyên để chia sẻ, đồng hành với con. Chủ quan, vô ý, hay là con không hiểu! Hai mẹ con cùng tìm ra giải pháp khả thi, không làm lớn chuyện con điểm 2, cũng không xem thường sự hiện diện của nó.
Suốt một tháng dõi theo con, trái tim người mẹ có lúc như bị xé nát vì lo lắng mà vẫn cố tỏ ra bình thản. Từ một cậu bé dở toán, sợ môn toán, con trai tôi đã mang về cho mẹ một kết quả bất ngờ. Tôi rưng rưng nước mắt khi hiểu ra tình yêu của con dành cho mẹ. Vì thương mẹ, sợ mẹ buồn mà con nỗ lực vượt qua điều khó khăn nhất.
Rồi trái tim người mẹ bao lần thắt lại khi cậu bé đấm vào vách tường, quăng đàn vì không đánh được một bản nhạc khó. Tôi không nén được cơn giận: “Đừng đập đàn, hãy đập vào tim mẹ!”. Con trai dấm dẳng: “Mẹ không cần nói vậy đâu, sến lắm!”. Nó bỏ đi ngủ. Nhưng cũng từ hôm đó, cậu bé không đấm tay vào tường nữa. Cậu sợ chứng bệnh tim của mẹ không chịu nổi những cơn bức bối, muốn đập phá một thứ gì đó để giải phóng năng lượng, khi cậu cố vượt qua giới hạn bản thân.
Trường đời của mẹ
Trường đời của mẹ lắm nỗi truân chuyên, nhọc nhằn, vắt tim vắt óc lấy chữ nuôi con. Người mẹ mềm yếu ấy không khỏi có những phút đa cảm, bật khóc bằng thơ:
Người đàn bà làm thơ
Vắt kiệt sức cho từng con chữ
Những trang viết đầy thêm
Máu mình vơi một ít
Thơ không nuôi nổi con
Nên em phải xuống đường
Nhặt thống khổ, nhặt đắng cay, nhặt dối lừa, cam phận
Chắp vá những mảnh vỡ cuộc đời
Lấy yêu thương hóa giải
Lấy nước mắt chữa đau
Lấy yếu mềm chống đỡ
Trăm thứ bủa vây
Cả nhân tình ấm lạnh
Người đàn bà làm thơ
Như bao bà mẹ tảo tần
Lội trên cánh đồng chữ nghĩa
Một tay bịt trái tim đau
Tay kia lau nước mắt
Tay bồng con tay viết sách
Mà trải lòng mà phẫn nộ đớn đau...
Con được 6 tháng tuổi, mẹ gửi con cho bà vú, về một tỉnh xa kiếm tiền. Hơn nửa tháng mẹ mới về nhà. Con nằm trên nôi, ngờ ngợ. Khi nhận ra mẹ, con chòi đạp chân tay, khóc ngất. Ôm con vào lòng, mẹ cũng không kìm được nước mắt. Từ trải nghiệm ấy, tôi thấu hiểu nỗi đau của những bà mẹ phải gửi con đi kháng chiến, nỗi đau của những bà mẹ mất đi những núm ruột của mình cho Tổ quốc. Và cảm nhận cả những giọt nước mắt tủi xót của những bà mẹ không hiểu vì sao con mình phải chết, khi đứa con mẹ chăm bẵm, yêu thương bị ném vào cỗ máy khốc liệt của cuộc chiến tranh!
Nhiều lúc tôi tự hỏi: tình mẫu tử của những bà mẹ thời xưa và hôm nay có gì khác? Trái tim đa cảm của người mẹ cho tôi lời giải đáp bằng chính trải nghiệm cuộc đời mình. Dù có những biểu hiện khác nhau, tình mẹ thương con luôn có mẫu số chung. Tình mẫu tử làm nên bao điều kỳ diệu trong cuộc sống, như mẹ tôi từng lấy gạo đong chữ, thương khó, hi sinh cho tôi tới trường; như tôi từng thức suốt đêm viết bài báo lấy tiền mua cho con hộp sữa. Và khi tôi đang thức đây, trăn trở, vật lộn với chữ nghĩa, vừa canh giấc ngủ cho con, có biết bao bà mẹ đêm đêm phải ngủ ngoài hành lang bệnh viện, chăm sóc con mình bị vướng chứng bệnh hiểm nghèo... Thế gian này thống khổ biết bao nhiêu, may mà còn có những người mẹ.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét