Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

Chầu Thánh Thể 20g00 | 24/4/2020 Thứ Sáu tuần 2 PS | Giáo phận Mỹ Tho.










Thông Báo của Tòa Giám Mục Mỹ Tho




TÒA GIÁM MỤC MỸ THO 
32 Hùng Vương, P.7, 
TP. Mỹ Tho, Tiền Giang 
THÔNG BÁO
V/v Bình thường hóa các sinh hoạt tôn giáo
 Kính gởi : Cộng đồng Dân Chúa Giáo phận Mỹ Tho 
 Ngày 22 tháng 04 năm 2020, tại phiên họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đã đạt kết quả đáng mừng, tạo điều kiện cho các sinh hoạt trở lại bình thường, nhưng vẫn phải đề cao cảnh giác, chấp nhận tình trạng “sống trong trạng thái có dịch”. Liên quan đến các sinh hoạt tôn giáo, chính quyền tỉnh Tiền Giang cho biết các cơ sở tôn giáo có thể thực hiện các sinh hoạt nghi lễ tôn giáo phù hợp. Trên cơ sở đó, Văn phòng Tòa giám mục xin thông báo đến quý cha, quý tu sĩ  và bà con giáo dân :
1. Từ Thứ Bảy 25-04-2020, các Giáo xứ trong Giáo phận tiếp tục cử hành Thánh Lễ Chúa nhật và các ngày trong tuần như thường lệ, với những lưu ý sau :
- Số người dự lễ : các cha xem xét tình hình cụ thể tại địa phương;
- Người cao niên (từ 60 tuổi trở lên), các thiếu nhi, những người có triệu chứng sốt và ho : miễn dự lễ mà không mắc tội;
- Giữ các quy định về y tế : đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách tối thiểu với người khác, giữ gìn môi trường vệ sinh tốt.
2. Các lớp Giáo lý và sinh hoạt đoàn thể : tiếp tục tạm ngưng cho đến khi có thông báo sau.
3. Các Giáo xứ, các hội đoàn không tổ chức các lễ hội và các cuộc hành hương cho đến khi có thông báo sau.
 Chân thành cảm ơn anh chị em, kính chúc anh chị em Mùa Phục sinh an lành.
                                      Ngày 24 tháng 04 năm 2020
Tổng đại diện
 (đã ký)
Lm. Phaolô Trần Kỳ Minh

=========
* Từ Thứ Bảy tuần này (25/04/2020), chúng ta sẽ không dâng lễ và chầu Thánh Thể trực tuyến nữa. 

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2020

Thư kê gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
___________________________
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, 10/04/2020

THƯ KÊU GỌI


KÍNH GỬI 
CỘNG ĐỒNG CÔNG GIÁO VIỆT NAM
VÀ BẠN BÈ THÂN HỮU XA GẦN

Thưa quý ông bà và anh chị em, 
Theo truyền thống đã có từ lâu, hằng năm, giáo hội Công giáo dành ngày thứ sáu Tuần Thánh để lạc quyên cho quỹ bác ái của Hội đồng Giám mục. Qua cái chết của Ngài, Đức Kitô đã hiến mạng sống cho nhân loại. Theo gương Ngài, những ai yêu mến và tin vào Ngài cũng hy sinh cuộc đời cho tha nhân. 
Năm nay, 2020, trong bối cảnh khắp nơi đang phòng chống dịch bệnh Covid-19, cuộc lạc quyên nói trên đã được chuyển vào ngày 13/09/2020. Nhưng trước mắt, chúng ta có một món nợ phải thanh toán tức khắc: đỡ đần những ai đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Đại dịch này đã đạt đến đỉnh điểm bùng phát và lây lan. Nhanh như chớp, nó đi khắp nơi trên thế giới mà không cần hộ chiếu, xâm nhập bất cứ thành phần nào, từ lãnh đạo, nguyên thủ, y bác sỹ, khách du lịch, cho đến chức sắc, tu sỹ, sinh viên, học sinh, doanh nhân, công nhân và nông dân… Toàn thể nhân loại đã trở thành nạn nhân của loại virus hung dữ này: hàng vạn người tử vong, hàng triệu người bị lây nhiễm, hàng tỉ người, thậm chí quá nửa nhân loại bị cô lập. Mặc dù đâu đâu cũng khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến và vận dụng các loại cơ sở làm trung tâm cách ly, nhưng tất cả đều lâm vào tình trạng quá tải. Y bác sỹ, nhân viên y tế nhiều nơi chết vì kiệt lực do số bệnh nhân quá đông. 
Hậu quả là hoạt động sản xuất, kinh doanh, hãng xưởng, công ty, ngân hàng, vận chuyển… hết thảy đều bị ngưng trệ hoặc tê liệt. Trường học, cơ sở đào tạo, khu giải trí, sinh hoạt tôn giáo, hàng quán…phải đóng cửa, hạn chế hoặc đình chỉ. Hàng triệu người mất công ăn việc làm, chìm đắm trong lo âu, sợ hãi. Thành phần đáng thương hơn cả là những người làm nghề thu nhập thấp như bán hàng rong, vé số, ve chai, tài xế, xe ôm, công nhân… Họ sẽ sống thế nào trong thời gian chờ đợi thấp thỏm, không biết đến khi nào trận “đại hồng thuỷ Covid-19” mới trả lại cuộc sống bình yên.   
May một điều là trong cơn hoạn nạn thử thách, con người vẫn còn nghĩ đến nhau. Khắp nơi trên thế giới và tại Việt nam, mọi thành phần xã hội đều đã vào cuộc để cứu nạn. Toàn bộ hệ thống chính trị, các tôn giáo, các tổ chức nhân đạo, doanh nghiệp, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ đã hết lòng tận tuỵ chia sẻ sự mất mát đau thương của những người đang gian nan khốn khó.
Nhưng “chiếu đâu mà trải cho hết”. Kể cả những siêu cường kinh tế cũng không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu mênh mông như đại dương. Chúng ta tri ân các nhà khoa học, y bác sỹ, các nhà lãnh đạo, các vị ân nhân và tất cả những ai, dưới muôn ngàn phương cách khác nhau, đã tham dự cuộc chiến chống Covid-19 một cách anh dũng từ khi nó khởi phát từ Vũ Hán. Nhưng cuộc chiến đó không chỉ là cuộc chiến tiêu diệt Covid-19. Cuộc chiến sinh mệnh còn rộng lớn hơn, đó là chiến lược bảo vệ các nạn nhân của đại dịch Covid-19. Chỉ có giải pháp tình thương mới có thể đẩy lùi được dịch bệnh và mới đem lại niềm hy vọng chiến thắng. 
Trong tinh thần đó, tôi kêu gọi tất cả tín hữu Công giáo Việt Nam, tôi cũng ước mong mọi thành phần xã hội Việt Nam, hãy làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ những người đang gặp thử thách gian nan vì trận đại dịch đầy thách đố này. Gần chỗ bạn, bao nhiêu người khốn khổ đang chờ. Hãy bắt chước người hảo tâm ở Sài Gòn dựng “cây ATM” phát 1,5 ký gạo miễn phí 24/24 giờ cho bất kỳ ai (nguồn: https://vnexpress.net/cay-atm-gao-cho-nguoi-ngheo4081050.html)
Hãy làm như anh Nguyễn Phan Huy Khôi ở Hà Nội, gói sẵn quà để trước nhà với thông điệp khiêm tốn “nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác” (nguồn: https://haiquanonline.com.vn/nguoi-ha-noi-giup-nhau-vuot-qua-covid-19-124073.html)
Mỗi người một sáng kiến như thế, Việt nam sẽ trở thành một đất nước quê hương của tình nhân ái, nghĩa đồng bào. Hãy liên kết với nhau, với tôn giáo, với tổ chức từ thiện, với bạn hữu, với mọi người không phân biệt phương vị. Hãy đến với bất kỳ ai không phân biệt thành phần xã hội hay niềm tin tôn giáo. 
“Không ai có thể cho cái mình không có”. May mắn là cũng “không ai nghèo đến độ không có gì để cho”. Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, tha nhân là chính Chúa: Mỗi lần các bạn làm như thế cho một trong những người nhỏ bé nhất của Ta đây, là các bạn đã làm cho chính Ta vậy (x.
Mt. 25,40).
Tôi cầu chúc người Công giáo tìm thấy niềm vui và sự bình an trong Tam Nhật Thánh và mùa Phục Sinh qua việc dấn thân phục vụ người nghèo. Tôi cầu chúc mọi người thành công trong chiến dịch biến đại dịch thành mùa xuân yêu thương.
Kính chào thân ái và đoàn kết. 


+Giuse Nguyễn Chí Linh
Tổng Giám mục TGP. Huế
Chủ tịch