Phiên họp thứ tư của Hồng Y đoàn: 6-3-2013
VATICAN. Sáng 6-3-2013, Hồng y đoàn đã nhóm phiên khoáng đại thứ tư tại
Hội trường Thượng HĐGM ở Nội thành Vatican để chuẩn bị mật nghị bầu
Giáo Hoàng, nhưng chưa ấn định ngày bắt đầu mật nghị.
Hiện diện trong phiên họp bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi với kinh giờ ba, có
tổng cộng 153 Hồng Y. 4 HY mới tới đã tuyên thệ, đó là ĐHY Lehmann, GM
Mainz bên Đức, ĐHY Thượng Phụ Naguib người Ai cập, ĐHY Gioan Thang Hán
GM Hong Kong và ĐHY Wetter trên 80 tuổi, nguyên TGM Munich, nam Đức.
Trong số 153 HY hiện diện có 113 HY cử tri. Như vậy còn thiếu 2 HY cử
tri là ĐHY Nycz, TGM Varsava Ba Lan, và ĐHY Phạm Minh Mẫn của Việt Nam.
Hai vị sẽ đến trong ngày 7-3 này.
Trong tinh thần huynh đệ, ĐHY niên trưởng Sodano đã chúc mừng ĐHY
Walter Kasper tròn 80 tuổi hôm 5-3, và trở thành người cao niên nhất
trong số các HY cử tri. Tuy 80 tuổi nhưng ĐHY vẫn có quyền dự mật nghị
vì ngài tròn 80 tuổi sau khi Tòa Thánh trống vị. Ngoài ra ĐHY Sodano
cũng chúc mừng sinh nhật ĐHY Coccopalmerio 75 tuổi, Chủ tịch Hội đồng
Tòa Thánh về các văn bản luật, và ĐHY Sandoval TGM Santa Cruz, Bolivia,
73 tuổi.
Trong phiên họp thứ tư, đã có 18 HY lên tiếng phát biểu ý kiến. Như vậy
tổng cộng có 51 HY năm châu đã phát biểu trong 4 phiên họp. Trong số
các đề tài được đề cập đến là: sứ mạng của Giáo Hội trên thế giới ngày
nay, nhu cầu tái truyền giảng Tin Mừng, Tòa Thánh và các cơ quan Tòa
Thánh trong liên hệ với các hàng GM trên thế giới, những mong đợi nơi
ĐGH mới. Mỗi bài phát biểu kéo dài hơn kém 5 phút. Xét vì có nhiều HY
xin lên tiếng nên thời gian được ấn định như thế, nhưng không có nghĩa
là sau 5 phút thì vị HY bị ngắt lời ngay.
Các HY cũng quyết định ngày thứ năm 7-3, sẽ có cả phiên họp ban sáng lẫn ban chiều.
Họp báo
Trong cuộc họp báo trưa 6-3-2013, một ký giả đã hỏi cha Lombardi, Giám
đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, về lý do tại sao các Hồng y Hoa Kỳ ra thông
cáo đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo các vị dự định thực hiện vào chiều
ngày 6-3, như 2 cuộc họp báo trước đó tại Trường Bắc Mỹ trên đồi
Gianicolo?
Cha Lombardi cho biết con đường tiến tới mật nghị bầu giáo hoàng là con
đường đặc thù, không giống như trường hợp các Thượng HĐGM hay Hội nghị
trong đó người ta cố gắng cung cấp thông tin nhiều bao nhiêu có thể,
nhưng đây là một tiến trình dẫn đến mật nghị bầu Giáo Hoàng, trong đó
các HY cảm thấy cần trao đổi, suy tư, phân định sâu rộng trước khi tiến
đến việc bầu Giáo Hoàng. Theo nghĩa đó, truyền thống mật nghị và hành
trình mật nghị là một truyền thống kín đáo, để bảo vệ kỹ lưỡng tự do của
mỗi Hồng Y trong thời điểm quan trọng như vậy. Vì thế, cộng đoàn các
Hồng Y trong khóa họp đã yêu cầu các thành viên dè dặt nhiều hơn trong
việc cung cấp cho báo chí những tin tức về nội dung cuộc họp.
Theo một số nguồn tin, nhiều HY than phiền vì nội dung các bài phát
biểu của các HY trong các phiên họp được tiết lộ cho báo chí Italia.
- Trả lời câu hỏi của một ký giả khác: tại sao Hồng y đoàn chưa ấn định
ngày bắt đầu mật nghị? cha Lombardi cho biết các Hồng y còn muốn trao
đổi với nhau và thấy chưa sẵn sàng để bắt đầu mật nghị. Đàng khác, ngày
7-3-2013, tất cả các HY cử tri mới có mặt đầy đủ.
Các HY muốn có một sự chuẩn bị thích hợp, kỹ lưỡng, nghiêm túc, cho mật
nghị, chứ không vội vã hấp tấp. Vì thế, trong phiên họp vị chủ tọa chưa
đưa ra đề nghị về ngày bắt đầu mật nghị để các HY bỏ phiếu quyết định.
- Một ký giả nêu câu hỏi về tổ chức SNAP đại diện các nạn nhân những vụ
giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên ở Mỹ yêu cầu Hồng y này
Hồng Y kia đừng vào mật nghị bầu Giáo Hoàng, vị này đáng làm Giáo Hoàng
vị kia không.
Cha Lombardi nói: lập trường của nhóm SNAP người ta đã biết từ lâu và
tổ chức này không có quyền bảo HY này được đến dự mật nghị, Hồng y kia
không được dự. Chính các HY là những người quyết định ai thích hợp, ai
không thích hợp, mà không cần phải hỏi ý kiến của tổ chức SNAP.
Lúc 6 giờ chiều cùng ngày hôm 6-3-2013, do sáng kiến của Hồng y đoàn,
buổi cầu nguyện cho việc bầu Giáo Hoàng mới, cử hành tại Nhà Nguyện ngai
tòa ở đầu Đền thờ Thánh Phêrô.
Buổi cầu nguyện dự kiến kéo dài lối 1 tiếng đồng hồ, do ĐHY Angelo
Comastri, Giám quản Đền thờ thánh Phêrô chủ sự và bắt đầu bằng kinh Mân
Côi với phần suy niệm về các mùa mừng, bằng tiếng La tinh và Ý. Tiếp
theo đó là nghi thức đặt Mình Thánh Chúa, kinh Chiều và sau cùng là Phép
Lành Mình Thánh Chúa. (SD 6-3-2013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét