CN 21 TN/ B
Bài đọc 1 : ( Gs. 24 : 1-2; 15-18)
Bài đọc 2 : ( Ep. 5: 21-32)
Tin Mừng : ( Ga. 6 : 60-69)
ĐI THEO HAY RÚT LUI !
“Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”
Đó là câu hỏi và cũng là lời
trách yêu mà Chúa Giêus đã đặt ra với Nhóm Mười Hai sau khi thấy dân
chúng xầm xì và thấy một số môn đệ rút lui không đi theo Ngài nữa.
Một đoàn người khởi hành để
chinh phục một ngọn núi cao. Vừa đến chân núi, một số người đã cảm thấy
mệt mỏi, chẳng hứng thú gì. Họ lấy làm tiếc là đã cất công vô ích; thế
là họ quyết định ngồi lại dưới chân núi.
Đoàn người còn lại tiếp tục
leo lên; nhưng tới nửa chừng, khi vừa gặp một khoảng trống bằng phẳng,
mát mẻ, có thể nhìn bao quát cảnh vật tuyệt vời bên dưới; họ quyết định
dừng lại ở đó, không tiếp tục leo núi nữa.
Cuối cùng, chỉ còn lại một số trong đoàn tiếp tục chinh phục ngọn núi như dự định ban đầu.
Cuộc hành trình đức tin của
chúng ta cũng tương tự như một đoàn người đang chinh phục ngọn núi kia.
Có những người vừa đến chân núi, đã cảm thấy mệt mỏi, hết phấn khởi, mất
niềm tin; có những người cũng cố leo lên được khoảng đất trống, nhưng
lại dừng chân ở đó để thỏa mãn những sở thích đang cuốn hút ở phía dưới
chân núi; và cuối cùng chỉ còn lại những ngươi kiên trì với ý định ban
đầu.
Dân Chúa vào thời Cựu Ước chỉ
được gián tiếp tiếp cận với Thiên Chúa qua lời các tiên tri và ngôn sứ
hay qua những vị ấy họ được chứng kiến những việc làm của Thiên Chúa đã
đối xử với họ. Họ chưa được trực tiếp tiếp xúc với Thiên Chúa, họ chỉ
tin theo truyền thống của cha ông. Đã có những người dừng lại ở chân
núi, nhưng cũng có những người theo Chúa nhưng vẫn còn mơ tưởng về một
thần thánh nào đó như ông Giosuê đã phải lên tiếng tố cáo. Ông muốn dân
chúng có một thái độ dứt khoát về lập trường, niềm tin và lời cam kết
của họ đối với Thiên Chúa, không nhập nhằng nước đôi: hoặc là phục vụ
Thiên Chúa hoặc phục vụ những thần khác.
Sau khi triệu tập tất cả các
chi tộc lại ở Sikem, trước mặt các kỳ lão, các thủ lãnh các gia tộc, các
quan án và sĩ quan, ông Giosuê lên tiếng: “Nếu các ngươi không muốn tôn
thờ Thiên Chúa, thì cho các ngươi lựa chọn: hôm nay, các ngươi hãy tùy ý
chọn phải tôn thờ ai hơn: hoặc là các thần cha ông các ngươi đã tôn thờ
ở Mêsôpôtamia, hoặc các thần của người xứ Amôrê, nơi các ngươi đang ở.
Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa”.
Vào thời Tân Ước, dân chúng đã
thấy Thiên Chúa qua Người Con như Lời Chúa Giêsu đã xác định: “ Không
phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa
mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha”( Ga.6: 46).Thế nhưng dân chúng
vẫn không nhận ra, có chăng chỉ xem Ngài như một tiên tri hay một ngôn
sứ nào đó. Họ đi theo để được ăn no, được xem những việc lạ như Chúa đã
khiển trách. Họ cũng là những người leo lên đến được khoảng đất trống,
nhưng lại dừng chân ở đó khi nghe Chúa khai mở một nguyên lý sống mới,
mặc khải những bí nhiệm cho họ về một cuộc sống vĩnh cửu mai sau.
Khi nghe Chúa Giêsu nói: :
“Tôi là bánh từ trời xuống”; người Do thái xầm xì, phản đối: “ Ông này
chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta
đều biết cả, sao bay giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống”( Ga. 6:
41). Biết họ xầm xì phản đối, nhưng Chúa Giêsu vẫn tiếp tục giới thiệu
về thứ bánh trương sinh khác với manna mà cha ông đã ăn và đã chết, đó
là “bánh hằng sống từ trời xuống”; nhưng khi nghe Chúa Giêsu nói: “ Bánh
tôi sẽ ban chính là thịt tôi đây”, thì người Do thái lại sôi nỗi tranh
luận với nhau: “ Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta
được?” và cuộc tranh luận, phản đối càng trở nên gay gắt khi Chúa Giêsu
nói: “ Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống đời đời…vì thịt tôi
thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống…”
Lần này không phải chỉ người
Do thái mà ngay chính những môn đệ cũng đã công khai tỏ thái độ chống
đối: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” Từ lúc đó, nhiều môn đệ
rút lui và không đi với Ngài nữa.
Họ rút lui, vì họ không tin
Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, không thể chấp nhận Ngài là Con hiên Chúa
và không thể tin Ngài từ trời xuống thế gian. Thế nhưng vẫn còn có những
người kiên trì leo lên cho đến tận đỉnh núi, vẫn tin tưởng và phó thác
vào Thiên Chúa như dân Chúa xưa kia đã trả lời với ông Giosuê:“Không thể
có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại. Chúa là Thiên
Chúa chúng tôi, chính Người đã dẫn chúng tôi và cha ông chúng tôi ra
khỏi Aicập, khỏi nhà nô lệ, Người đã làm những việc kỳ diệu cả thể trước
mặt chúng tôi và đã gìn giữ chúng tôi suốt con đường chúng tôi đi giữa
tất cả mọi dân mà chúng tôi đã đi qua. Chúa đã trục xuất tất cả những
dân đó cũng như người Amôrê trên phần đất chúng tôi đã tiến vào”; hay
như Ông Simon Phêrô, đại diện cho Nhóm Mười Hai trả lời câu Chúa hỏi:
“Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có lời đem
lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng
chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.
Nhóm Mưới Hai là số còn lại,
nhưng lại là trụ cột của Nước Trời, của Giáo hội trong tương lai. Chúng
ta không rút lui để phản đối phá vỡ sứ mệnh cứu chuộc của Chúa Giêsu,
nhưng ở lại để tham dự vào một sự khai sinh mới cho công cuộc cứu chuộc
con người, vào lời hứa thiết lập một thế giới mới quy tụ chung quang một
thực thể mới đó là Giáo hội: một đàn chiên duy nhất một chủ chiên, một
thân thể với nhiều chi thể liên kết, một gốc nho với cành hoa trái xum
xuê.
Mang danh Kitô hữu là chúng ta
chấp nhận đi theo Chúa Giêsu Kitô, lấy Ngài làm cứu cánh cuộc đời, thực
hành những giáo huấn của Ngài giảng dạy nhân danh Thiên Chúa. Chúng ta
tin Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất,Toàn năng, Vĩnh Cửu, là Thiên Chúa Tình
yêu. Chúng ta tin Thiên Chúa không những ban cho chúng ta sự sống đời
này mà còn ban cho chúng ta sự sống đời sau nữa...Chúng ta đã đón nhận
đức tin ấy từ khi chúng ta nhận phép rửa tội.
Có hai loại đức tin: loại thứ
nhất là đức tin truyền thống, nghiã là đức tin theo truyền thống của
cha ông và loại thứ hai là đức tin tự nguyện, nghiã là qua lý trí, qua
suy luận hay từ một biến cố nào đó đưa họ đến với đức tin. Nhưng điều
cốt lõi là mức độ tin tưởng và phó thác vào Đấng chúng ta tin. Đấng ấy
là ai thì Chúa Giêsu đã gián tiếp xác nhận qua lời của ông Phêrô: Thầy
là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, khi Ngài hỏi các ông: Còn anh
em, anh em bảo Thầy là ai; và rõ ràng hơn nữa, chính miệng Ngài đã nói:
“Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi
Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha”( Ga.6: 46). Tin vào
Đấng Thiên Sai, tin vào Người Con của Chúa Cha là tin vào Thiên Chúa,
thấy Người Con là thấy Người Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì
cũng không tôn kính người Cha, Đấng đã sai người Con ( Ga. 5: 23).
Chúa Giêsu không ép buộc chúng
ta đi theo Ngài và Giáo hội cũng thế. Giáo hội trước tiên và trên hết
là một nơi tự do để chúng ta lựa chọn hay xa lánh, một nơi đàm thoại để
chúng ta có thế đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa hay chối từ bỏ đi.
Cách đây không lâu, tại một
quốc gia đang tiến hành cuộc bách hại Giáo Hội, một nhóm tín hữu đã bí
mật họp nhau để cầu nguyện. Đang cầu nguyện, thình lình cánh cửa bật ra.
Một người lính xuất hiện trước cửa, tay cầm súng. Anh đảo mắt một vòng
rồi lạnh lùng lên tiếng: “ Ai không tin ông Giêsu thì nhanh chân ra khỏi
đây ngay”.
Một bầu khí im lặng ngột ngạt;
rồi từ từ, từng người một bắt đầu bước ra; chỉ còn lại một nhóm ít ỏi.
Họ nhận thức rõ việc họ làm, nên quyết định ở lại. Họ tin tưởng vào
Thiên Chúa và phó thác, chấp nhận tất cả những gì sẽ xảy đến.
Cuối cùng, người lính đến khóa
cửa lại; từ từ trở vào, đứng trước mặt những người còn lại và mỉm cười
nói: “ Tôi cũng tin vào Chúa Giêsu Kitô. Chẳng thà chúng ta không có
những con người như thế thì hơn”.
Hằng ngày Chúa Giêsu vẫn hỏi
chúng ta: “ Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Chúng ta đã
trả lời thế nào với câu hỏi ấy?
Ai đi, ai ở lại? Ai bỏ về, ai đi theo?
Hãy cùng với ông Simon Phêrô
trả lời với Chúa rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với
ai? Thầy mới có lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con
đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.
Lm Trịnh Ngọc Danh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét