Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

CÁM DỖ - CHỌN LỰA

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY C Người ta kể một câu chuyện: Trong một buổi họp tổng kết của hoả ngục, Luxiphe làm chủ toạ và hắn yêu cầu các cộng sự viên trình bày những phương án để cám dỗ con người. Tên quỷ thứ nhất nói: “Tôi sẽ hiện nguyên hình, với dáng vẻ dữ tợn, khi ấy con người sợ hãi và phải cúng bái thờ lạy tôi…” chưa hay lắm. Luxiphe trả lời – vì khi sợ, người ta sẽ tránh ngươi, người ta sẽ bám vào Chúa.
 Tên thứ hai trình bày: “Vậy tôi sẽ khéo léo dẫn con người đi vào những con đường sai lạc, tạo cho người ta điều kiện sống thoải mái, ăn chơi…” Luxiphe trả lời sáng kiến của ngươi khá hay có thể áp dụng được. Tên thứ ba trình bày: “Còn tôi, tôi sẽ núp sau đứa bạn thân của nó, tôi nói với nó rằng trên thế giới này không có ma quỷ, không có cám dỗ, chỉ có những bạn bè. Tôi sẽ đánh lừa nó, tối tôi nói là xấu, xấu tôi nói là tốt… và như thế tôi cam đoan nó sẽ nghe tôi” Luxiphe đáp - rất hay và truyền đưa phương án này ra cho các tên quỷ học tập và áp dụng.
            Thưa … câu chuyện trên do người ta nghĩ ra thế, nhưng nó cũng nói lên một thực tế đó là nhiều người có đạo chúng ta hôm nay cứ nghĩ cám dỗ nó phải là một cái gì rất ghê gớm hoặc là nó phải là một sự xúi dục làm những điều xấu trầm trọng mà ai cũng biết đó là điều xấu, hoặc là phải có con quỷ hiện hình để cám dỗ. Thế nhưng, không hẳn vậy, các cám dỗ ngày nay nó tinh vi hơn nhiều, ma quỷ không cám dỗ chúng ta bỏ Chúa, nó không cám dỗ chúng ta lao vào ăn chơi trác tác ngay, mà nó cám dỗ chúng ta từ những cái nhỏ đi đến cái lớn, nó nói với chúng ta qua lời thách thức rủ rê của bè bạn, qua những cách sống thoải mái. Có người còn cho rằng: Không có ma quỷ, cũng chẳng có cám dỗ. Trong khi đó chiến thuật của cám dỗ hôm nay đó là nó làm cho chúng ta không còn phân biệt một cách sáng suốt được nữa, nó làm cho chúng ta lầm lẫn thật thì coi là giả, giả lại coi là thật, cái không thì cho là có, còn cái có thì lại coi là không, tốt coi là xấu, xấu lại được coi là tốt. Khi cám dỗ chúng ta, ma quỷ nó đủ khôn khéo để đưa ra trước mắt chúng ta những khía cạnh tưởng như thật tốt, thật có lợi, tích cực, nhưng thực ra nó lại là cái vỏ che đậy sự xấu xa tệ hại ở phía sau để lừa gạt, làm loá mắt chúng ta, để rồi từ cái tưởng như tốt ở bên ngoài ấy nó đưa chúng ta bươc sang cái xấu lúc nào mà chúng ta không biết dẫn đến rơi vào bẫy của nó.
            Chúng ta có thể thấy điều đó nơi câu chuyện Đức Giêsu đương đầu với cám dỗ hôm nay. Thánh Luca muốn so sánh Đức Giêsu với Ađam ngày xưa. Xưa trong vườn địa đàng ma quỷ đã cám dỗ Ađam Evà bằng hình thức hết sức ngọt ngào và hai ông bà đã gục ngã, nó nói: “Khi ăn trái này vào, mắt ông bà sẽ mở ra”, sau khi ăn xong mắt họ đã mở ra thật, nhưng không phải để thấy mình như thần linh mà chỉ nhìn thấy mình trần trụi. Sự thật không như nó nói. Còn Đức Giêsu là Ađam mới, Ngài đã được Thần khí hướng dẫn, vào hoang địa và đã phải đương đầu với cám dỗ chọn lựa cho mình một cách sống. Ma quỷ đã giới thiệu 3 phương án thật hấp dẫn, nhưng cả ba lần Đức Giêsu đã chọn theo phương án của Thiên Chúa, cương quyết từ chối những phương án ma quỷ đề ra – Thánh Luca còn ghi thêm: “Sau khi hết cách, ma quỷ bỏ đi và chờ đợi thời cơ”. Điều này chứng tỏ ma quỷ nó không chịu thua cuộc một cách dễ dàng, mà nó sẽ lợi dụng thời cơ thuận lợi để tiếp tục tấn công Đức Giêsu, và tấn công chúng ta.
            Trở lại với 3 lần cám dỗ mà Tin mừng kể lại:
1. “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho đá này thành bánh mà ăn”. Trước hết, nó khích vào tính tự ái của con người, vì con người hay cậy dựa vào sức mạnh thế lực của mình: “Nếu ông là Con Thiên Chúa” nó muốn Đức Giêsu dùng quyền năng Thiên Chúa để đáp ứng cho một nhu cầu thực tế đó là nhu cầu ăn uống, mới nghe tưởng chừng như thật hợp lý vì người ta thường nói: “có thực mới vực được đạo”. Thế nhưng, cái nguy hiểm của cám dỗ này đó là nó làm cho người quên mất giá trị và sẽ đặt nhu cầu ăn uống, thoả mãn lên trên nhu cầu tinh thần khiến người ta lao vào tìm kiếm của cải vật chất, cơm bánh hơn là tìm kiếm nhu cầu lương thực thiêng liêng biến ta trở thành kẻ say mê vật chất, nô lệ cho cái bụng. Biết được ý đồ thâm độc của cơn cám dỗ này, Đức Giêsu đã trả lời cho ma quỷ: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn bằng lời Chúa”.
2. Cái cám dỗ thứ hai này, ma quỷ đưa ra một nhu cầu khác cao hơn nhu cầu ăn uống, đó là khát vọng quyền lực, danh vọng. Đây là một cám dỗ hết sức hấp dẫn: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị tất cả” các khát vọng, cám dỗ này như một nhu cầu rất chính đáng vì nó giúp người ta phấn đấu để vươn lên. Thế nhưng, các nguy hiểm của cơn dám dỗ này nó nằm ở câu điều kiện đi kèm: “Nếu ông bái lạy tôi” tức là nó cám dỗ chúng ta phải thoả hiệp với sự dữ, ngoi lên địa vị danh vọng bằng mọi giá, kể cả việc dẫm đạp lên người khác. Nhiều người đã mắc vào cám dỗ này khi vì muốn thăng tiến trong địa vị xã hội, có thêm lợi lộc, họ đã chấp nhận làm những đìều ngược với lương tâm và vô tình hoặc cố ý bái lạy ma quỷ, liên minh với ma quỷ và những thế lực xấu. Đức Giêsu đã không chấp nhận như thế, Ngài đã dứt khoát xua đuổi cám dỗ này: “Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa là Chúa của ngươi và phải phụng thờ một mình Ngài mà thôi”.
3. Cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ bảo Chúa cứ nhảy từ đền thờ xuống, vì ông là con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ gìn giữ ông, cho thiên thần nâng đỡ ông. Đó là cám dỗ đòi hỏi phép lạ, cám dỗ này thật tinh vi nó không xúi người ta bỏ Chúa để chạy theo vật chất và quyền lực như hai lần cám dỗ trước, ngược lại nó khiêu khích người ta đến với Chúa để được phép lạ, cám dỗ này nó muốn kiểm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa, nó muốn thách thức quyền năng của Thiên Chúa. Nhiều người chúng ta đang bị cám dỗ kiểu này mà không biết, người ta chỉ chạy đến Chúa mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn để xin một phép lạ kỳ diệu mà không muốn nhận ra ý Chúa trong mỗi biến cố ấy, không muốn đương đầu với những khó khăn ấy, họ muốn ép Chúa làm theo ý mình. Chạy đến cầu xin cùng Chúa mỗi khi gặp khó khăn là điều cần nhất là điều tốt, thế nhưng, đừng thử để xem Chúa có làm được không? Và khi phép lạ không xảy ra như ý muốn thì ngã lòng trông cậy,cầu nguyện không được thì nản lòng mất đức tin, “tôi cầu khấn mãi mà chẳng thấy Chúa nhận lời”. Chúa Giêsu đã chống trả cám dỗ này bằng một lời khẳng định “ngươi đừng thử thách Đức Chúa là Chúa của ngươi”.
            Thưa quý OBACE mang thân phận con người như chúng ta, Đức Giêsu cũng đã phải trải qua những cơn cám dỗ như chúng ta và Ngài đã chiến thắng, nhờ tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa, và dám chọn con đường mà Chúa Cha muốn. Ngày nay, dưới nhiều hình thức tinh vi ma quỷ cũng đang cám dỗ chúng ta tìm thoả mãn những nhu cầu vật chất và đã có nhiều người buông theo nó, quay cuồng lao vào cám dỗ ấy và đã gục ngã, nhiều người đã không còn tìm kiếm lương thực tinh thần, lương thực lời Chúa nữa, họ lấy lý do công việc làm ăn bận rộn để bỏ qua những bổn phận đối với Thiên Chúa, bổn phận với gia đình, cuộc sống chỉ còn cơm áo, gạo tiền và không còn thấy có chỗ nào cho Thiên Chúa nữa. Cũng vậy, cái cám dỗ về quyền lực, danh vọng nó cứ âm ỉ trong con người chúng ta, nó thể hiện qua việc muốn thắng kẻ khác, muốn áp đặt ý kiến của mình trên người khác, muốn dìm người khác xuống để mình được nổi lên, muốn lôi kéo sự chú ý về mình, cho mình là người tài giỏi, từ đó coi thường người khác.
Ngày hôm nay, ma quỷ nó không hiện hình dự tợn để cám dỗ chúng ta, nhưng nó cám dỗ chúng ta bởi những vẻ hào nhoáng bên ngoài, với các bạn trẻ, nó cám dỗ chúng ta bởi những lời thách thức của bạn bè, nó đánh vào máu anh hùng tự ái của tuổi trẻ, nó thách thức các bạn theo kiểu: “không thử sao biết”? “cứ thử đi, ăn thua gì, một lần cho biết, thanh niên mà” hãy cảnh giác với những lời ngọt ngào chết người ấy, hãy cậy dựa vào Lời của Chúa và lề luật của Ngài để chống lại sự cám dỗ. Chắc chắn với sức riêng mình chúng ta không thể chiến thắng được ma quỷ, nhưng chúng ta có Chúa và cầu xin Chúa gìn giữ chúng ta mỗi khi chúng ta bị cám dỗ như trong kinh lạy Cha vẫn đọc, và lỡ có lần nào vấp té, xin cho chúng ta can đảm chỗi dậy làm lại cuộc đời. Amen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét