Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Lịch Phụng Vụ Tháng 03. 2013

Ý CẦU NGUYỆN:
Ý chung: Cầu cho mọi người biết tôn trọng thiên nhiên. Xin cho mọi người ngày càng biết tôn trọng thiên nhiên mà Chúa đã giao cho con người chịu trách nhiệm chăm sóc.

Ý truyền giáo : Cầu cho các giám mục, linh mục và phó tế. Xin cho các giám mục, linh mục và phó tế trở nên những người loan báo Tin Mừng không mệt mỏi đến tận cùng trái đất.
THÁNG KÍNH THÁNH GIUSE
Thánh Giuse là Bổn Mạng và gương mẫu của các người lao động và các gia trưởng. Ngài đã sống cuộc đời lao động để nuôi sống gia đình. Chính Chúa Giêsu, dù là Con Duy Nhất của Thiên Chúa, cũng được gọi là “con của bác thợ mộc”. Vì thế, noi gương thánh Giuse, các người lao động và các gia trưởng hãy học cho biết giá trị của lao động: nuôi sống bản thân và gia đình, liên kết với anh chị em và phục vụ họ, thực thi bác ái đích thực và góp công vào việc kiện toàn công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa.

1/3
20/1
Tm
Thứ Sáu đầu tháng. St 37,3-4.12-13a.17b-28 ; Mt 21,33-43.45-46.
2
21
Tm
Thứ Bảy đầu tháng. Mk 7,14-15.18-20 ; Lc 15,1-3.11-32.
3
22
Tm
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY. Thánh vịnh tuần III. Xh 3,1-8a.13-15 ; 1Cr 10,1-6.10-12 ; Lc 13,1-9. Có thể dùng bài đọc (với bài tiền tụng) năm A : Xh 17,3-7 ; Rm 5,1-2.5-8 ; Ga 4,5-42 (hay Ga 4,5-15.19b-26.39a.40-42).
4
23
Tm
Thứ Hai. Thánh Casimirô. 2V 5,1-15a ; Lc 4,24-30. Bất cứ ngày ngào trong tuần này, khi cử hành thánh lễ theo Mùa Chay, có thể đọc: Xh 17,1-7 ; Ga 4,5-42.
5
24
Tm
Thứ Ba. Đn 3,25.34-43 ; Mt 18,21-35.
6
25
Tm
Thứ Tư. Đnl 4,1.5-9 ; Mt 5,17-19.
7
26
Tm
Thứ Năm đầu tháng. Thánh nữ Perpêtua và thánh nữ Fêlicita, tử đạo. Gr 7,23-28 ; Lc 11,14-23.
8
27
Tm
Thứ Sáu. Thánh Gioan Thiên Chúa, tu sĩ. Hs 14,2-10 ; Mc 12,28b-34.
9
28
Tm
Thứ Bảy. Thánh Phanxica Rôma, nữ tu. Hs 6,1-6 ; Lc 18,9-14.
10
29
Tm
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY. Thánh vịnh tuần IV. Hôm nay có thể dùng màu hồng và được sử dụng phong cầm cũng như các nhạc cụ khác. Gs 5,9a.10-12; 2Cr 5,17-21 ; Lc 15,1-3.11-32. Có thể dùng bài đọc (với bài tiền tụng) năm A : 1Sm 16,1b.6-7.10-13a ; Ep 5,8-14 ; Ga 9,1-41 (hay Ga 9,1.6-9.13-17.34-38).
11
30
Tm
Thứ Hai. Is 65,17-21 ; Ga 4,43-54. Bất cứ ngày ngào trong tuần này, khi cử hành thánh lễ theo Mùa Chay, có thể đọc: Mk 7,7-9 ; Ga 9,1-41.
12
01/2
Tm
Thứ Ba. Ed 47,1-9.12 ; Ga 5,1-3a.5-16.
13
02
Tm
Thứ Tư. Is 49,8-15 ; Ga 5,17-30.
14
03
Tm
Thứ Năm. Xh 32,7-14 ; Ga 5,31-47
15
04
Tm
Thứ Sáu. Kn 2,1a.12-22 ; Ga 7,1-2.10.25-30.
16
05
Tm
Thứ Bảy. Gr 11,18-20 ; Ga 7,40-53.

LƯU Ý:
Có thể giữ thói quen che ảnh tượng trong nhà thờ, tuỳ theo quyết định của Hội Đồng Giám Mục. Các thánh giá thì che cho đến thứ Sáu Tuần Thánh, sau nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa; các ảnh tượng khác thì che cho đến khi bắt đầu Canh Thức Vượt Qua.
17
06
Tm
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY. Thánh vịnh tuần I. Is 43,16-21 ; Pl 3,8-14 ; Ga 8,1-11. Có thể dùng bài đọc (với bài tiền tụng) năm A: Ed 37,12-14 ; Rm 8,8-11 ; Ga 11,1-45 (hay Ga 11,3-7.17.20-27.33b-45).  (Không cử hành lẽ Thánh Patriciô, giám mục).
18
07
Tm
Thứ Hai. Thánh Cyrillô, giám mục Giêrusalem, tiến sĩ Hội Thánh. Đn 13,1-9.15-17.19-30.33-62 (hay Đn 13,41c-62) ; Ga 8,12-20. Bất cứ ngày nào trong tuần này, khi cử hành thánh lễ theo Mùa Chay, có thể đọc: 2V 4,18b-21.32-37 ; Ga 11,1-45.
19
08
Tr
Thứ Ba. THÁNH GIUSE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA.
Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ).
2Sm 7,4-5a.12-14a.16 ; Rm 4,13.16-18.22 ; Mt 1,16.18-21.24a (hay Lc 2,41-51a).
20
09
Tm
Thứ Tư. Đn 3,14-20.91-92.95 [Hr 3,14-20.24-25.28] ; Ga 8,31-42.
21
10
Tm
Thứ Năm. St 17,3-9 ; Ga 8,51-59.
22
11
Tm
Thứ Sáu. Gr 20,10-13 ; Ga 10,31-42.
23
12
Tm
Thứ Bảy. Thánh Turibiô Môgrôvêjô, giám mục. Ed 37,21-28 ; Ga 11,45-56.
24
13
Đ
CHÚA NHẬT LỄ LÁ.  TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA. Thánh vịnh tuần II.
Làm phép và rước lá : Lc 19,28-40.
Thánh lễ: Is 50,4-7 ; Pl 2,6-11 ; Lc 22,14—23,56 (hay Lc 23,1-49).

25
14
Tm
THỨ HAI TUẦN THÁNH. Is 42,1-7 ; Ga 12,1-11. Lễ Truyền Tin được dời qua ngày 08-04-2013
Lưu ý: Các ngày trong Tuần Thánh, từ thứ Hai đến thứ Tư, phải cử hành thánh lễ theo ngày; không được cử hành thánh lễ nào khác, trừ thánh lễ an táng.
26
15
Tm
THỨ BA TUẦN THÁNH. Is 49,1-6 ; Ga 13,21-33.36-38.
27
16
Tm
THỨ TƯ TUẦN THÁNH. Is 50,4-9a ; Mt 26,14-25.
28
17
Tr
THỨ NĂM TUẦN THÁNH.
Thánh lễ sáng. THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU
(Tr). Is 61,1-3a.6a.8b-9 ; Kh 1,5-8 ; Lc 4,16-21.



TAM NHẬT VƯỢT QUA
“Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, nhất là nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Người; nhờ đó, Người đã chết để tiêu diệt sự chết của chúng ta và sống lại để khôi phục sự sống cho chúng ta. Vì thế Tam Nhật Vượt Qua, nhằm tưởng niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa, sáng chói lên như tột đỉnh của Năm Phụng Vụ” (AC 18).
LƯU Ý: Trong Tam Nhật Vượt Qua, không được cử hành thánh lễ nào khác, kể cả thánh lễ an táng.
28/3
17/2
Tr
THỨ NĂM TUẦN THÁNH.
Thánh lễ chiều. THÁNH LỄ TIỆC LY
. Xh 12,1-8.11-14 ; 1Cr 11,23-26 ; Ga 13,1-15.
29
18
Đ
THỨ SÁU TUẦN THÁNH. TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA. Giữ chay và kiêng thịt. Is 52,13—53,12 ; Dt 4,14-16; 5,7-9 ; Ga 18,1—19,42.
30
19
Tm
THỨ BẢY TUẦN THÁNH.



MÙA PHỤC SINH
“Năm mươi ngày từ Chúa nhật Phục Sinh đến Chúa nhật Hiện Xuống, được cử hành trong niềm hân hoan phấn khởi, như một ngày lễ duy nhất, hơn thế, như một ‘Đại Chúa Nhật’. Đặc biệt trong những ngày này hát Allêluia”. (AC 22).
31
20
Tr
CHÚA NHẬT PHỤC SINH. MỪNG CHÚA SỐNG LẠI.
Lễ trọng với tuần bát nhật.
Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ).
CANH THỨC VƯỢT QUA:
1. St 1,1—2,2 (hay St 1,1.26-31a) ;
2. St 22,1-18 (hay St 22,1-2.9a.10-13.15-18) ;
3. Xh 14,15—15,1a ;
4. Is 54,5-14 ;
5. Is 55,1-11 ;
6. Br 3,9-15.32—4,4 ;
7. Ed 36,16-17a.18-28 ;
8. Rm 6,3-11 ;
9. Lc 24,1-12.

CHÍNH NGÀY: THÁNH LỄ CHÚA NHẬT PHỤC SINH. Cv 10,34a.37-43 ; Cl 3,1-4 (hay 1Cr 5,6b-8) ; Ga 20,1-9 (hay Lc 24,1-12 ; trong thánh lễ chiều cũng có thể đọc Lc 24,13-35). Phải đọc hay hát Ca tiếp liên trong ngày lễ Phục Sinh, còn trong tuần bát nhật thì tuỳ ý.

Video buổi tiếp kiến cuối cùng của ĐỨC GIÁO HOÀNG BENEDICTO THỨ XVI


Hơn 200,000 người dự buổi triều yết chung cuối cùng triều Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16

Từ sáng sớm ngày hôm nay, hơn 200,000 anh chị em tín hữu và khách hành hương đã tràn ngập Quảng trường Thánh Phêrô và đại lộ Hòa Giải để chào từ biệt Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 trong buổi triều yết chung cuối cùng của ngài.

Chỉ có 50,000 người có vé để vào bên trong khu vực Quảng trường Thánh Phêrô. Nhưng điều đó không ngăn các khách hành hương và anh chị em tín hữu khác đến gặp gỡ Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 và nghe ngài giảng dạy lần sau cùng.

Thành phố Roma đã cung cấp nhiều màn hình khổng lồ dọc theo đại lộ Hòa Giải để tiện cho dân chúng có thể chứng kiến buổi triều yết chung.

Gần khán đài được dựng trước tiền đình Đền thờ Thánh Phêrô, chúng tôi thấy có đông đủ các vị Hồng Y, kể cả những vị Hồng Y ở rất xa như Đức Hồng Y George Pell của tổng giáo phận Sydney, Úc Đại Lợi.

Đức Thánh Cha đã di chuyển trên chiếc pope mobile để chào thăm anh chị em tín hữu và khách hành hương.

Trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng và cũng là lần chót ngài xuất hiện trước công chúng trong tư cách người Kế Vị Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã cám ơn Giáo Hội vì tất cả các nâng đỡ trong thời gian triều Giáo Hoàng của ngài và đặc biệt trong thời gian chuyển tiếp sắp tới. Suy niệm về ngày ngài được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 khích lệ anh chị em tín hữu rằng Giáo Hội được hướng dẫn bởi Thiên Chúa, ngay cả trong gian truân và thử thách.

Ngài nói:

"Anh chị em thân mến,

Tôi gởi lời chào nhiệt liệt đến anh chị em và các khách hành hương, là những người đang tham dự với tôi trong buổi triều yết chung cuối cùng này. Như Thánh Phaolô, mà lời người chúng ta vừa được nghe, trái tim tôi thổn thức tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, Đấng hằng trông nom Giáo Hội Người, và sự tăng trưởng trong đức tin và tình yêu của Giáo Hội. Tôi chào đón tất cả anh chị em với niềm vui và lòng biết ơn.

Trong Năm Đức Tin, chúng ta đã được kêu gọi để làm mới niềm tín thác hân hoan nơi sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống của chúng ta và trong đời sống của Giáo Hội. Cá nhân tôi biết ơn tình yêu không lay chuyển của Ngài và sự hướng dẫn của Ngài trong suốt tám năm kể từ khi tôi chấp nhận ơn gọi của mình là phục vụ Giáo Hội như người kế vị Thánh Phêrô. Tôi cũng biết ơn sâu xa sự hiểu biết, những nâng đỡ, và lời cầu nguyện của đông đảo anh chị em không chỉ ở Rôma này, mà còn trên khắp thế giới.

Quyết định mà tôi đã đưa ra, sau khi cầu nguyện nhiều, là kết quả của một sự tin tưởng trong an bình nơi Thánh Ý Chúa và một tình yêu sâu sắc Giáo Hội của Chúa Kitô. Tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Giáo Hội bằng lời cầu nguyện của tôi, và tôi xin mỗi người trong anh chị em cầu nguyện cho tôi và cho Đức Tân Giáo Hoàng. Trong tình hiệp thông với Đức Maria và tất cả các thánh, chúng ta hãy phó dâng chúng ta trong đức tin và đức cậy nơi Thiên Chúa, Đấng tiếp tục dõi theo cuộc sống của chúng ta và hướng dẫn cuộc hành trình của Giáo Hội và thế giới chúng ta dọc theo những con đường của lịch sử.

Với lòng mến chân thành, tôi phó dâng tất cả anh chị em cho sự chăm sóc trìu mến của Người, xin Chúa củng cố anh chị em trong một niềm hy vọng mở lòng chúng ta ra đón nhận sự viên mãn của cuộc sống mà chỉ có Chúa mới có thể ban cho chúng ta. Tôi thành tâm ban phép lành cho anh chị em và gia đình. Cám ơn anh chị em!"

Sau khi kết thúc buổi triều yết chung, Đức Giáo Hoàng đã đến điện Clementine để gặp gỡ một số viên chức chính quyền dân sự trong đó có tổng thống Slovakia và chủ tịch vùng Bavaria của Đức. Tại đây, ngài cũng gặp gỡ những vị lãnh đạo các phong trào giáo dân như phong trào Focolare, phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng.

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Chi tiết về ngày cuối cùng trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Bênêđíctô thứ 16

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ được gọi là "Đức Giáo Hoàng danh dự" (Pope emeritus). Cha Federico Lombardi, SJ, Trưởng phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết như trên trong cuộc họp báo sáng Thứ Ba 26 tháng Hai. Ngài cũng được gọi là Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 như Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio, chủ tịch Ủy Ban Tòa Thánh Giải Thích Các Văn Bản Luật cho biết sáng thứ Sáu 22 tháng Hai vừa qua. Về y phục, ngài sẽ mặc y phục trắng như hiện nay nhưng không có mozzetta (áo choàng vai – xem hình)
Mozetta - áo choàng vai


Hơn 50,000 vé đã được phát ra cho buổi triều yết chung cuối cùng của Đức Giáo Hoàng vào ngày thứ Tư 27 tháng Hai, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều anh chị em tín hữu tham dự hơn. Sau khi kết thúc buổi triều yết chung, Đức Giáo Hoàng sẽ đến điện Clementine để gặp gỡ một số viên chức chính quyền dân sự trong đó có tổng thống Slovakia và chủ tịch vùng Bavaria của Đức.

Vào buổi sáng ngày 28 tháng Hai, ngày cuối cùng của triều đại giáo hoàng, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ một lần nữa tại điện Clementine, các vị Hồng Y đang có mặt tại Rome.

Lúc 4:55 chiều tại sân San Damaso của Điện Tông Tòa và trước đội vệ binh Thụy Sĩ, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, SDB, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và các thành viên khác trong giáo triều Rôma sẽ chia tay với Đức Thánh Cha.

Máy bay trực thăng chở Đức Giáo Hoàng sẽ hạ cánh tại Castel Gandolfo lúc 5:15 chiều. Đón Đức Thánh Cha tại đây có Đức Hồng Y Giuseppe Bertello và Đức Giám mục Giuseppe Sciacca, là thống đốc và tổng thư ký của thành Vatican cùng với Đức Giám mục Marcello Semeraro là Giám Mục Giáo phận Albano, chính quyền dân sự và các cơ quan có thẩm quyền của địa phương.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ xuất hiện trên ban công của biệt điện Castel Gandolfo để chào đón những người tập trung tại quảng trường này để chào ngài.

Vacante Sede, tức là thời gian trống ngôi Giáo Hoàng sẽ bắt đầu lúc 8:00 tối và đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ tại Castel Gandolfo được giải tán. Hiến binh Vatican sẽ thay thế các Ngự Lâm Quân để bảo vệ cho Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16.

Cha Lombardi cũng cho biết thêm là Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ không còn sử dụng "Chiếc Nhẫn Ngư Phủ", vì chiếc nhẫn này sẽ bị phá hủy cùng với dấu ấn của triều đại giáo hoàng.

Nhiệm vụ này sẽ do Đức Hồng Y Nhiếp Chính Tarcisio Bertone và các phụ tá của ngài thực hiện.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cũng sẽ không còn mang đôi giày đỏ Giáo Hoàng.

Sáng 01 tháng Ba, Đức Hồng Y Niên Trưởng sẽ gởi thư mời các Hồng Y về Rôma để tham dự Cơ Mật Viện. Cha Lombardi nói thêm: "Do đó, có khả năng, là Mật Nghị Hồng Y sẽ bắt đầu vào tuần tới,"

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Cầu nguyện cho việc bầu Giáo hoàng

Tòa Tổng Giám Mục, ngày 25.02.2013
  Cầu nguyện cho việc bầu Giáo hoàng

 CẦU NGUYỆN CHO VIỆC BẦU GIÁO HOÀNG


Kính gởi : Linh mục, tu sĩ, giáo dân trong gia đình giáo phận,
 
Anh chị em rất thân mến,
 
1. Như anh chị em đã biết, ngày 11 tháng 2 năm 2013, Đức Bênêđictô XVI đã thông báo quyết định từ nhiệm của Ngài. Ngài nói: “Trong thế giới ngày nay, một thế giới có quá nhiều thay đổi mau chóng, một thế giới đặt ra những vấn đề khẩn thiết cho đời sống đức tin, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và để loan báo Tin Mừng, cần có sức khỏe cả tinh thần lẫn thể xác; và trong ít tháng qua, tôi thấy sức khỏe sa sút đến mức không thể chu toàn sứ vụ được trao phó cho tôi cách cân xứng. Vì lý do đó, với ý thức rất rõ về tính nghiêm trọng của quyết định này, cùng với tất cả tự do, tôi từ nhiệm sứ vụ Giám mục Rôma, Người kế vị Thánh Phêrô, sứ vụ mà các Đức Hồng Y đã trao cho tôi từ ngày 19 tháng 4 năm 2005. Do đó, kể từ 20g00 ngày 28 tháng 2 năm 2013, Tòa Rôma, Tòa Thánh Phêrô, sẽ trống và Mật Tuyển viện sẽ được triệu tập do các vị có thẩm quyền”.
 
2. Chắc chắn tất cả chúng ta đều lấy làm tiếc nuối trước quyết định của Đức Bênêđictô XVI, vì Ngài đã tận tụy phục vụ Giáo Hội với sự sáng suốt và lòng nhiệt thành của vị mục tử gương mẫu. Tôi cảm nhận sự tiếc nuối này rất rõ trong những ngày qua, ở khắp các nơi mà tôi đến thăm Tết, trong Thành phố cũng như khắp đồng bằng sông Cửu Long. Mặt khác, chính sự kiện này đánh thức lòng tin của nhiều người, làm cho hồng ân đức tin lan tỏa trong xã hội hôm nay. Vì thế, trong sự đồng cảm với Giáo Hội, chúng ta đón nhận quyết định của Đức Bênêđictô XVI với tinh thần vâng phục của đức tin, đồng thời vững bước tiến tới tương lai dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
 
3. Sau khi Đức Bênêđictô XVI chính thức từ nhiệm vào ngày 28-2-2013, các hồng y sẽ được triệu tập về Rôma để chuẩn bị việc bầu Giáo hoàng mới. Riêng tôi có thể sẽ lên đường đi Rôma vào những ngày cuối tuần I, đầu tháng 3, 2013. Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi và tất cả các hồng y sẽ tham dự Mật tuyển viện sắp tới, để chúng tôi biết đón nhận ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần mà bầu ra vị giáo hoàng như lòng Chúa mong muốn và như Dân Chúa mong đợi.
 
4. Cũng vì thế, trước khi đi Rôma, tôi muốn đề nghị với anh chị em hiệp lòng, hiệp ý cầu nguyện cho việc bầu vị Giáo Hoàng mới :
 
- tại Nhà Thờ Chính tòa vào Thánh lễ lúc 8:30g ngày thứ Bảy 09.03.2013
 
- tại mỗi giáo xứ và tại mỗi Dòng tu, vào Thánh lễ Chúa Nhật, 10.03.2013
 
Kể từ 20g00 ngày 28-2 (giờ Rôma), tức là rạng sáng ngày 01.03.2013 tại Việt Nam, cho đến khi có Giáo hoàng mới, trong Kinh nguyện Thánh Thể, các linh mục chỉ xướng tên của giám mục giáo phận mà thôi.
 
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI và cho vị Giáo hoàng tương lai, để ngài tiếp nối các vị tiền nhiệm đáng kính, hướng dẫn chúng ta bước theo Chúa Giêsu Đấng Cứu độ, trên con đường hòa nhập vào gia đình nhân loại, yêu thương đến cùng, khiêm tốn phục vụ cho sự sống mới và sự phát triển toàn diện của con người.
 
Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.
 
Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Tp. HCM

ĐÔI LỜI TỪ BIỆT ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

    ĐÔI LỜI TỪ BIỆT ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI                                                                                 
   + GB. BÙI TUẦN
1. Lạy Cha rất mến yêu. Giờ phút chia ly buồn lắm và đau đớn lắm.
 Cha thoái vị và ra đi, lúc đêm bắt đầu (20 giờ, ngày 28 tháng 02 năm 2013).
Từ giờ phút đó, các thánh lễ tại Việt Nam sẽ không còn đọc tên Cha nữa (Thư Chung của HĐGMVN, ngày 16.02.2013).
2.
Riêng con, con luôn nhớ đến tên Cha và gọi tên Cha.
Con nhớ Cha, để cảm tạ Cha vì những ơn Cha đã làm cho con.
Cha dạy con hãy luôn gặp gỡ thân mật với Đức Kitô và hãy bước theo Đức Kitô.
Nhờ vậy, đời con chỉ phải là yêu thương, dâng hiến, trong tự do và cậy tin phó thác, theo gương Cha. Vì Cha bước theo Đức Kitô.
Chỉ có thế, đời con mới có ý nghĩa và có hướng đi đúng đường.
2.
Cha ra đi, khi đã thoái vị Giáo Hoàng.
Nhưng Cha không thể từ nhiệm ơn gọi bước theo Chúa Kitô.
Tối thứ Năm đó, Đức Kitô đã một mình ra đi. Người một mình đi vào Vườn Cây Dầu.
Ở đó, Người sợ hãi xao xuyến. Người đã xin Đức Chúa Cha, nếu có thể, thì cho Người khỏi uống chén đắng đang kề.
Nhưng, sau cùng, Người đã xin vâng ý Chúa Cha. Người không từ chối trách nhiệm đớn đau, mà Chúa Cha muốn Người phải thi hành.
Người đi vào cuộc tử nạn một mình. Người vác thánh giá một mình. Người chịu đóng đinh trên thánh giá một mình giữa hai phạm nhân tử tội.
Người một mình chịu thương khó, để dâng mình đền tội cho nhân loại.
Cha đi, nếu Cha cũng sẽ được ơn gọi bước theo Đức Kitô như thế, thì thiết tưởng đó chính là một vinh quang, mà Năm Đức Tin cần tuyên xưng. Bởi vì theo đức tin, ơn cứu độ sẽ đến từ thánh giá Đức Kitô.
4.
Từ nay, trong cảnh tĩnh mạc của cuộc đời hưu, Cha sẽ có nhiều hoàn cảnh thuận lợi để cầu nguyện nhiều hơn.
Trong đời cầu nguyện thẳm sâu ấy, xin Cha thương nhớ đến chúng con, nhất là những đứa con đang hấp hối, quằn quại, rên xiết, trong gian nan thử thách muôn vàn.
Cha còn có chỗ, để ra đi. Còn chúng con, bao người đau khổ, chẳng có chỗ nào, để mà ra đi.
5.
Khổ nhất đối với chúng con là sự ác đang tăng mạnh bao vây chúng con. Con nhớ đến lời thánh Gioan tông đồ đã cảnh báo: “Tất cả thế gian đều nằm dưới ách của Ác Thần (Ga 5,19) và “Có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1 Ga 4,1).
Nếu thời điểm này đang ứng nghiệm những lời cảnh báo đó của thánh Gioan tông đồ, thì chúng con là những kẻ tội lỗi yếu hèn sẽ rất bơ vơ. Xin Cha thương cầu nguyện cho chúng con.
6.
Con xin gởi Cha gánh nặng của bao nỗi lòng. Nỗi lòng đau đớn nhất là thấy chính mình chúng con có thể đang là nguyên do gây cho Cha những buồn phiền, do sự chúng con sa sút về đạo đức. Có thể nhiều người chúng con đang là nỗi thất vọng cho Cha. Con xin Cha rộng lòng tha thứ.
Thưa Cha, con vẫn nhìn thấy nơi Cha khuôn mặt hiền lành và khiêm nhường của Đức Kitô. Do vậy, con tin Cha vẫn rất cần cho Hội Thánh nói chung, và cho chúng con nói riêng.
Xin từ biệt Cha.
Long Xuyên, ngày 25 tháng 02 năm 2013

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY năm C-2013

Lc 9, 28 b-36

CHÚA GIÊSU BIẾN HÌNH

Chúa nhật thứ hai Mùa Chay trong năm đức tin càng thôi thúc chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Quả vậy, ba môn đệ thân tín của Chúa Giêsu là Phêrô, Giacôbê và Gioan đã được chứng kiến giây phút Thầy chí thánh trên núi xuất thần.

Cảnh tượng ấy đã củng cố niềm tin của các môn đệ, ngày nay nó vẫn làm vững mạnh niềm tin của mỗi Kitô hữu. Do đó, vinh quang của Chúa Giêsu là sức mạnh giúp các môn đệ và chúng ta vững tin, vượt qua những thử thách, gian gian ở trần gian này…

Trong cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã vài lần loan báo về cuộc thương khó mình sẽ phải chịu. Thực tế, các môn đệ đi theo chân Chúa vẫn không hiểu về những điều Thầy loan báo. Nên, đêm hôm ấy, Chúa Giêsu đã cùng ba môn đệ được xem là thân cận nhất của Chúa dẫn nhau lên núi cầu nguyện. Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha thế nào, chúng ta không rõ…Chúa Giêsu cầu nguyện, ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan lại đắm chìm trong giấc ngủ miên man, không hay không biết Thầy của mình đang trò chuyện với Thiên Chúa Cha. Nhưng sau khi tỉnh giấc, ba môn đệ thấy Chúa Giêsu vinh quang sáng chói, hai ông Môsê và Êlia cũng rạng rỡ vinh quang, đàm đạo, chuyện trò thân mật với Chúa. Phêrô cao hứng thưa với Chua Giêsu :” Thưa Thầy, chúng con ở đây thì thật là hay “ ( Lc 9, 33 ).Các môn đệ thích nơi vinh quang, sáng láng nhưng lại không tỉnh thức cầu nguyện. Các ngài muốn căng lều, đóng trại trên núi cao, nhưng lại đắm mình trong ngủ say. Và rồi, trong biến cố kinh hoàng của Thầy trong vườn Cây Dầu, các môn đệ vẫn chứng nào tật nấy, vẫn mê ngủ, khoái ăn, tới lúc kẻ thù đến bắt mất Thầy của mình, các Ông nhốn nháo, xôn xao, giao động…Đây thật sự cũng là sự yếu hèn của thân phận con người ở trần gian này.

Sống với các môn đệ, Chúa Giêsu hiểu rất rõ các ông thật yếu đuối, Ngài thấu suốt tâm hồn các Ông, nên trên núi Tabôrê, Chúa đã cho các môn đệ được chiêm ngắm vinh quang của Chúa cho dù vinh quang ấy chỉ xẩy ra chốc lát…Vinh quang này đã củng cố lòng tin của các môn đệ để các ngài thông phần với sự khổ nạn của Chúa Giêsu mà Ngài sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Vinh quang này cũng minh chứng về lời loan báo của các môn đệ sau này về sự sống lại của Chúa.

Phêrô ở Cêsarê trước đó tám ngày đã tuyên xưng :” Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống “ ( Mt 16, 16 ) thì hôm nay trên núi Tabôrê Chúa đã chứng thực cho các ông thấy sự sáng láng của Ngài vì Ngài thực là Con Thiên Chúa. Biến cố biến hình của Chúa Giêsu là mạc khải về vinh quang, về sự hiện diện của Chúa giữa nhân loại. Chúa đem Nước Trời vào trần gian để muôn người nhận ra tình thương và lòng thương xót của Chúa.

Vinh quang mà Chúa Giêsu biến hình trên núi Taborê quả thực là sự đáp trả tình thương của Chúa Giêsu khi Ngài chấp nhận đáp trả lại sự khổ nạn, phục sinh để vâng lời Thiên Chúa Cha. Sự đáp trả này là lời mời gọi mọi người chúng ta luôn gắn bó và bám chặt lấy Chúa Giêsu.

Việc Chúa biến hình sáng láng, vinh quang chỉ xẩy ra một thời gian ngắn. Để rồi sau đó, Chúa chấp nhận cuộc tử nạn và phục sinh. Tin mừng của thánh Luca cho hay khi trên núi đi xuống Chúa Giêsu đã nói về cái chết và sự sống lại của Ngài, nhưng các môn đệ không hề hiểu gì. Mọi người Kitô hữu cũng vậy thôi, đứng trước nhiều cái chết chúng ta chẳng hiểu gì về sự sống lại cho tới Chúa lại đến trong vinh quang.

Chúa biến hình chốc lát rồi lại trở lại trạng thái bình thường. Chúa và các môn đệ lại tiếp tục cuộc sống hằng ngày. Nhưng trong mọi niềm vui nỗi buồ, Chúa luôn hiện diện để nâng đỡ và củng cố niềm tin của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu,
Trong ánh vinh quang lung linh của ánh sáng chói lòa trên đỉnh núi Tabôrê
Chúa đã củng cố đức tin của ba môn đệ thân tín: Phêrô, Giacôbê và Gioan,
Ngày nay, Chúa luôn hiện diện giữa cuộc đời chúng con
Và can thiệp đúng lúc vào những hoàn cảnh cuộc đời của chúng con.
Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn nhận ra
Chúa nơi những người khác và nơi trạng huống cuộc đời dù thuận hay nghịch.Amen.

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Họp báo của Cha Lombardi về chương trình của Đức Thánh Cha

VATICAN. Sáng thứ năm, 28-2-2012, ĐTC Biển Đức 16 sẽ tiếp Tổng thống Italia, ông Giorgio Napolitano, rồi ngài tiếp Hồng y đoàn.
 

ĐTC sẽ gặp gỡ các Hồng y hiện diện ở Roma, bắt tay chào giã từ từng vị, nhưng không có diễn văn.
Trong cuộc họp báo trưa ngày 21-2-2013, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết đây là cuộc tiếp kiến giã từ trong ngày cuối cùng của triều đại Giáo Hoàng.

Hôm trước đó, thứ tư 27-2-2013, sẽ là buổi tiếp kiến chung cuối cùng của ĐTC, và sinh hoạt này diễn ra bình thường: ĐTC sẽ đi xe một vòng tại quảng trường để chào các tín hữu, rồi ngài bắt đầu bài huấn giáo bằng tiếng Ý, tiếp đến các bài tóm tắt ngắn kèm theo lời chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng. Bầu không khí chắc chắn là cảm động.

Lúc 5 giờ chiều ngày 28-2, ĐTC giã từ Vatican. ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Bertone, sẽ chào từ biệt ngài tại sân Damaso, rồi tại sân bay trực thăng ở góc thành Vatican, có ĐHY Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn hiện diện. Khi đến Castel Gandolfo, ngài sẽ được ĐHY Bertello, Chủ tịch và Đức Cha Sciacca, Tổng thư ký Phủ Thống đốc Vatican, cùng với thị trưởng và cha sở Castel Gandolfo đón tiếp. Sau đó, ngài sẽ lên bao lơn Dinh Tông Tòa để chào các tín hữu tụ tập tại Quảng trường vào khoảng 6 giờ chiều.

Chưa có ngày bt đầu mật nghị bầu Giáo Hoàng

Cha Lombardi bác bỏ tin của một số báo chí cho rằng ngày bắt đầu mật nghị bầu Giáo Hoàng là 11-3-2013. Cha nói: việc ấn định ngày này là điều thuộc thẩm quyền của Hồng y đoàn. Người ta cũng chưa biết trong phiên họp ngày nào các Hồng y sẽ ấn định.

Ngoài ra, cha Lombardi cũng chỉ có thể nói ĐTC cứu xét dự thảo Tự Sắc xác định vài điểm trong Tông Hiến về việc bầu Giáo Hoàng mới. ĐTC chưa ký và chưa công bố thì chưa thể nói gì được về nội dung của những quyết định này.

Vấn đ Huynh đoàn thánh Piô 10

Cha Lombardi bác bỏ tin của báo chí cho rằng vấn đề Huynh đoàn thánh Piô 10 (nhóm Công Giáo thủ cựu, đồ đệ của Đức TGM Lefebvre) kết thúc và được giải quyết trong tiến trình trở về hiệp nhất với Tòa Thánh. Tuy nhiên, vấn đề này được nhường lại cho trách nhiệm của ĐGH mới. Vì thế, không nên chờ đợi trong những ngày tới việc xác định quan hệ giữa Tòa Thánh và Huynh đoàn này.

Cha Lombardi cũng cảnh giác giới báo chí về nhiều tin tưởng tượng và bịa đặt được loan đi trên một số báo chí những ngày này. Cha cũng nhận xét rằng trong những ngày này có nhiều bình luận, nhận xét nhắm tạo sức ép. Phần lớn đến từ những quan điểm hoàn toàn xa lạ với những điều mà ĐGH và Giáo Hội mời gọi chúng ta về vấn đề bầu Giáo Hoáng.

”Các tín hữu được mời gọi cầu nguyện, suy tư và tháp tùng các Hồng Y trong một thời điểm suy tư sâu xa, cùng tìm hiểu về mặt thiêng liêng xem đâu là thiện ích đích thực của Giáo Hội và việc phục vụ của Giáo Hội dành cho nhân loại.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI - Tiểu sử

 Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI - Tiểu sử
Đức Bênêđictô XVI sinh ngày 16-4-1927 (Thứ Bảy Tuần Thánh) tại Marktl am Inn, thuộc Giáo phận Passau, Đức quốc, và được rửa tội ngay ngày hôm đó. Cha của ngài là một nhân viên cảnh sát, xuất thân từ gia đình nông dân. Mẹ của ngài trước khi kết hôn từng làm nghề nấu nướng trong một số khách sạn. Một gia đình Công giáo bình dân và đạo đức.
 

Thời thơ ấu và thiếu niên của Đức Bênêđictô XVI trôi qua êm ả ở Traunstein, một ngôi làng nhỏ gần biên giới Đức-Áo, cách Salzburg 30 cây số. Chính nơi đây, ngài nhận được nền giáo dục căn bản về nhân bản, văn hoá và đức tin Kitô giáo.

Tuổi thanh niên của ngài rơi vào một giai đoạn khó khăn của xã hội. Chế độ Đức quốc xã có thái độ thù nghịch với Giáo hội Công giáo. Chàng thanh niên Joseph Ratzinger tận mắt chứng kiến cảnh các linh mục bị đánh đập trước khi dâng lễ. Cũng chính trong giai đoạn này, ngài khám phá ra vẻ đẹp và chân lý nơi Chúa Kitô, phần lớn là nhờ ảnh hưởng của gia đình luôn sống tốt lành và cậy trông vào Chúa, gắn bó với Giáo Hội trong mọi hoàn cảnh.

Từ năm 1946–1951, ngài học Triết và Thần học tại Freising và Đại học München. Ngày 29-6-1951, ngài thụ phong linh mục, và một năm sau, bắt đầu dạy học ở Trường Cao đẳng Freising.

Năm 1953, ngài nhận bằng Tiến sĩ Thần học với luận án Dân Chúa và Nhà Chúa trong tư tưởng của Augustinô về Giáo Hội.

Bốn năm sau, dưới sự hướng dẫn của Gottlieb Söhngen, một giáo sư nổi tiếng về Thần học Cơ bản, Linh mục Joseph Ratzinger nhận thêm một bằng Tiến sĩ với luận án về Thời gian và Lịch sử theo Thánh Bônaventura.

Sau khi dạy Thần học Cơ bản và Tín lý tại Freising, ngài tiếp tục dạy ở Bonn từ 1959–1963; tại Münster từ 1963–1966, và tại Tübingen từ 1966–1969. Trong năm 1969, ngài dạy về Tín lý và Lịch sử Tín điều tại Đại học Regensburg, đồng thời là Phó Viện trưởng tại đây.

Từ năm 1962–1965, ngài góp phần đáng kể cho Công đồng Vatican II trong tư cách chuyên viên, là cố vấn thần học cho Đức Hồng y Joseph Frings, Tổng Giám mục Köln (Cologne). Với những hoạt động trí thức phong phú, ngài được đề nghị làm việc cho Hội đồng Giám mục Đức cũng như cho Uỷ ban Thần học Quốc tế.

Năm 1972, cùng với Hans Urs von Balthasar và nhiều nhà thần học nổi tiếng khác, ngài khởi xướng Tạp chí Thần học Communio (Hiệp Thông).

Ngày 25-3-1977, Đức Phaolô VI đặt ngài làm Tổng Giám mục München và Freising. Ngài chọn khẩu hiệu “Người cộng tác của Chân lý”, và ngài giải thích: “Một đàng, khẩu hiệu này diễn tả mối tương quan giữa công việc trước đây của tôi, trong tư cách giáo sư, và nhiệm vụ mới. Cách tiếp cận khác nhau nhưng điều chính yếu vẫn là phục vụ chân lý. Đàng khác, tôi chọn khẩu hiệu này vì trong thế giới ngày nay, dường như chân lý bị bỏ quên và bị coi như cái gì đó quá lớn lao đối với con người, tuy nhiên nếu không có chân lý thì mọi sự đều sụp đổ”.

Cũng trong năm 1977, tại Công nghị Hồng y vào ngày 27-6, Đức Phaolô VI nâng ngài lên hàng hồng y.

Năm 1978, Đức Hồng y Joseph Ratzinger tham dự Mật tuyển viện bầu Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I (ngày 25–26 tháng 8). Đến tháng 10, ngài lại dự Mật tuyển viện bầu Đức Gioan Phaolô II.

Năm 1980, tại Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về đề tài “Sứ vụ của gia đình Kitô giáo trong thế giới ngày nay”, ngài đóng vai trò điều phối (relator). Trong Thượng Hội đồng năm 1983 về “Hoà giải và sám hối”, ngài ở trong Chủ toạ đoàn.

Ngày 25-11-1981, Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Chủ tịch Uỷ ban Kinh Thánh và Uỷ ban Thần học. Ngày 15-2-1982, ngài từ giã Tổng Giáo phận München và Freising để về làm việc tại Rôma.

Trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng y Joseph Ratzinger cũng là Chủ tịch Uỷ ban Biên soạn Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, được chính thức công bố vào năm 1992.

Trong những tác phẩm của ngài đã được xuất bản (trước khi làm giáo hoàng), người ta chú ý đặc biệt đến cuốn Dẫn vào Kitô giáo là tổng hợp những bài thuyết trình của ngài về Kinh Tin Kính; cuốn Tín điều và Giảng thuyết (1973) là tổng hợp những bài viết, bài giảng và suy niệm. Ngoài ra, những cuốn sách được thực hiện dưới dạng phỏng vấn, như The Ratzinger Report (1985) về tình hình đức tin trong thế giới ngày nay, Muối cho đời (1996), đã thu hút sự quan tâm của độc giả trên toàn thế giới.

Sau khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời, các hồng y đã triệu tập Mật tuyển viện, và ngày 19-4-2005, Đức Hồng y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng, lấy tước hiệu là Bênêđictô XVI. Lời đầu tiên vị tân Giáo hoàng gửi đến toàn thể thế giới là: “Anh chị em thân mến, sau vị Giáo hoàng vĩ đại Gioan Phaolô II, các hồng y đã bầu chọn tôi, một người thợ đơn sơ và khiêm hạ làm việc trong vườn nho của Chúa. Tôi cảm thấy được an ủi vì niềm tin rằng Chúa có thể làm việc và hành động ngay cả với những phương thế bất toàn, và trên hết mọi sự, tôi phó thác mình cho lời cầu nguyện của anh chị em”.

Trong Thánh lễ khai mạc sứ vụ giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI nói với mọi người tham dự và với cả thế giới: “Mọi ý thức hệ về quyền lực đều hành động như nhau. Những ý thức hệ ấy biện minh cho việc tiêu diệt bất cứ cái gì có thể cản đường tiến bộ và giải phóng nhân loại. Còn Thiên Chúa, Đấng đã nên Chiên (xá tội), lại nói với chúng ta rằng: thế giới được cứu độ nhờ Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, chứ không phải nhờ những kẻ đóng đinh tha nhân”. Rồi ngài nói thêm: “Xin cầu nguyện cho tôi để tôi không vì sợ hãi sói dữ mà bỏ trốn”.
 WHĐ
 
 
 

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Những thách đố muôn thuở

Chia sẻ Tin Mừng CN 1 MC NC (Lc 4, 1-13)
Những thách đố muôn thuở
Thánh Bênêđictô đã trải qua ba năm sống một mình trong núi. Ma quỷ thường hay cám dỗ ngài trở về quê nhà với đời sống tiện nghi và thoải mái. Tuy nhiên, thánh nhân đã vượt qua những cám dỗ này bằng các việc cầu nguyện và đền tội. Một ngày kia, ma quỷ lại tiếp tục cám dỗ Bênêđictô, nghĩ tưởng đến một phụ nữ xinh đẹp, mà có lần Bênêđictô đã gặp thấy ở thành Rôma. Ma quỷ cố gắng làm cho thánh nhân trở về tìm lại bà ấy. Bênêđictô dường như sắp nhượng bộ cơn cám dỗ này. Nhưng thay vào đó, thánh nhân đã sốt sắng cầu nguyện và đền tội nhiều hơn. Và từ đó trở đi, đời sống của Bênêđictô rất bình an. Bênêđictô không còn cảm thấy những cơn cám dỗ cuồng loạn như thế nữa.(Đa Minh M. Nguyễn Phúc Lộc, CMC, dịch, Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ) 
Không riêng gì các Thánh, mà bất cứ ai sống trên cõi đời ô trọc này, đều phải chịu thường xuyên các cơn cám dỗ hằng ngày. Đó là một thách đố muôn thuở của con người. Từ Thứ Tư lễ Tro vừa qua, với tinh thần sám hối, ăn năn, Giáo Hội dẫn dắt Kitô hữu vào Chúa Nhật I Mùa Chay, mở đầu bằng ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong hoang địa.
Cám dỗ bản năng
Trong 40 ngày chay tịnh, Chúa Giêsu không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. Bấy giờ, quỷ nói với Người:”Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, (Lc 4, 3-4)  nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4, 4)
Bản năng sinh tồn trổi dậy, khi cơ thể đói khát, yếu đuối, mệt nhọc, kiệt sức. Đây là cơ hội cho ma quỷ lợi dụng thao túng cám dỗ, khiến con người dễ sinh tật đói làm càn. Chúng cám dỗ Chúa hãy kiêu căng tự phụ, là Con Thiên Chúa, để vung tay làm càn phép lạ hóa đá ra bánh. Nếu nghe theo lời xúi giục, làm sao Người còn vâng lời Chúa Cha, mang lấy thân phận con người, để rồi chịu hy tế, hoàn tất công cuộc Cứu Độ.
Thông thường những cám dỗ bản năng hay được phóng đại, tô màu, khéo léo dán lên những cái mác mỹ miều, như bảo vệ an toàn sự sống, hay nhu cầu thiết yếu và chính đáng để sống còn, sống mạnh, sống dai.   
Khi cuộc sống ổn định, bớt lo toan cái ăn cái mặc, tôi lại muốn ăn ngon mặc đẹp, ước muốn thỏa mãn những đòi hỏi vật chất xa hoa, cao cấp hơn. Tôi dần dần biến thành nô lệ cho bản năng, cho chính nhu cầu giả tạo. Khi đã êm ái lọt vào vòng kiểm tỏa của ma quỷ, tôi đương nhiên bị vong thân, đánh mất niềm cậy trông vào Chúa Quan Phòng, hoàn toàn xa lìa Chúa.
“Người ta sống không chỉ nhờ bánh mà còn nhờ Lời Chúa”: Thánh Thể, Thánh Kinh, Thánh Nguyện. Nếu không, con không có sự sống Thần Linh. (Đường Hy Vọng, số 136)
Cám dỗ thế quyền
Cám dỗ bản năng thất bại, ma quỷ quay ra cám dỗ quyền lực thế gian. Một thứ mà hầu hết ai cũng mê say, ai cũng cố gắng tìm cho mình một danh phận, một chỗ đứng, ít ra cũng để hãnh diện với đời. Hơn nữa, quyền lực còn đem lại của cải, sung túc, giàu có, đặc quyền, đặc lợi, cho bản thân và cả dòng tộc con cháu. Tệ hại hơn, khi “quyền lực luôn luôn thu hút những kẻ không có đạo đức. “(Albert Einstein)
 Rồi quỷ nói với Người:“Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nều ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng:“Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của người, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” (Lc 4, 6-8)
Quyền lực chân chính luôn đem công lý, hòa bình và hạnh phúc, còn quyền lực đen nô lệ hóa cả dân tộc. Trong Cộng Đồng, hay Cộng Đoàn, Giáo Phận, hoặc Giáo xứ, đôi khi cái bả quyền lực còn trầm trọng gây nên phân hóa, chia rẽ, cục bộ, phe nhóm, vì bị lạm dụng phục vụ cho thói háo danh, háo chức, háo quyền, địa vị. Chẳng thế, Pierre Pasquier trong một cuốn sách khảo về xứ sở và con người Việt Nam (Annam d’Autrefois) từng chua chát nhận xét: "Trong mỗi người Việt Nam có một ông quan và một nhà thơ".
Còn thói gia trưởng nô lệ hóa gia đình. Ngay trong tế bào của xã hội, gia đình cũng là môi trường gay gắt tranh giành quyền lực giữa vợ chồng. Đôi bạn phối ngẫu cũng vì quyền lực mà có thể xào xáo, chia rẽ, ly thân, ly dị, huống chi trong xã hội phức tạp, nhiều giai cấp cao thấp khác biệt và chí chóe tranh sống với nhau.
“Thiên Chúa là bí quyết của nhà lãnh đạo: Ngài ban uy quyền và không bỏ ai dựa vào quyền năng của Ngài để lãnh đạo. Tinh thần khiêm nhường và lòng bác ái là căn bản; Phúc Âm của Ngài hướng dẫn nhà lãnh đạo.” (Đường Hy Vọng, số 871)
Cám dỗ thần quyền
Khi thách thức Thiên Chúa, người ta muốn hạ bệ Ngài, đồng thời nâng mình lên ngang hàng với Ngài. Đó là cơn cám dỗ thần quyền, là mối tội đầu, tội kiêu căng bắt nguồn từ thời nguyên thủy, khi Adam và Eva ăn trái cây biết lành biết dữ. Tánh kiêu ngạo biến tướng dưới nhiều hình thức, như lộng ngôn, phạm thượng và chống báng Thiên Chúa.
Ma quỷ bộc lộ xúc phạm công khai đến Thiên Chúa, khi thách thức Chúa Giêsu gieo mình từ nóc Đền Thờ xuống, Người đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Lc 4, 12)
Ngày xưa, trong sa mạc, dân Israel đóng trại ở Rơphiđin, nhưng tại đấy không có nước cho dân uống. Dân gây sự với ông Môsê. Họ nói: “Cho chúng tôi uống đi!” Ông Môsê nói: “Tại sao anh  em lại gây sự với tôi? Tại sao lại thử thách Đức Chúa?” Ở đó dân khát nước, nên đã kêu trách ông Môsê rằng: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập để làm gì? Có phải để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, súc vật chúng tôi bị chết khát hay không?” Ông Môsê kêu lên cùng Đức Chúa: “Con phải làm gì cho dân bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con.” (Xh17, 2 - 4) Đức Chúa phán bảo ông, lấy cây gậy đã rẽ nước sông Nil, mà đập vào tảng đá, cho tuôn trào nước ra để dân uống. Ông đặt tên cho nơi ấy là Maxa và Mơriva, vì con cái Israel đã gây sựthử thách Đức Chúa, mà rằng: “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?” (Xh 17, 6 -7)
Bây giờ, mỗi khi khẩn cầu những điều gì mà không được như ý, tôi lại mau ngã lòng, trách cứ Chúa quay mặt làm ngơ, không chịu thương ban. Nhiều khi còn đặt điều kiện với Chúa khi kêu xin: “Nếu Chúa ban cho con ơn này, thì con sẽ làm công quả cho nhà Chúa”…Tôi đã vô tình hạ thấp Chúa xuống, như một đối tượng giao dịch, kỳ kèo, ký kết hợp đồng thương vụ. Tôi đã xúc phạm vô cùng nặng nề đến Chúa, khác chi ma quỷ dám mạo phạm thách đố Chúa nhảy xuống khỏi nóc Đền Thờ!
Lạy Chúa Giêsu, thế gian đang muốn gạt bỏ Chúa sang một bên. Xin Chúa ban cho con thêm sức mạnh, thêm dũng khí để thoát khỏi những cám dỗ nguy hiểm, những tà thuyết vô thần, mà luôn noi gương Thánh Bênêđictô ăn chay và cầu nguyện, để chống trả vượt qua.
Lạy Mẹ Maria, xin ban cho con tấm lòng khiêm nhường và vâng phục theo Thánh Ý Chúa như Mẹ, để con có thể thoát khỏi những chước cám dỗ ngày càng tinh vi của ma quỷ dai dẳng hằng ngày. Amen.
AM Trần Bình An (17-2-2013)