Lòng không Thiên Chúa, Xuân không Tết;
Sống chẳng nghĩa nhân, Tết chẳng Xuân.
RẮN TRONG ĐỜI SỐNG
Chẳng ai lại không biết rắn. Rắn đứng hàng thứ 6 trong 12 con giáp.
Rắn thuộc loài bò sát, là động vật máu lạnh, và cùng lớp với các loài có
vảy như thằn lằn, tắc kè, nhưng rắn không có chân.
Có nhiều loại rắn. Rắn nào cũng có độc tố, chỉ khác nhau mức độc hại.
Còn có loại rắn hai đầu, chặt mất đầu này nhưng đầu kia vẫn sống. Rắn
nước có vẻ “hiền lành” nhất nhưng được coi là chúa các loài rắn. Nghe
nói rằng ai ăn được 3 mật rắn nước thì dù bị rắn nào cắn cũng không sao,
và còn có thể “đánh mùi” được rắn đang xuất hiện đâu đó.
Rắn có bộ xương rất nhỏ và dễ vỡ, thế nên khó có dạng hoá thạch.
Nhưng trên cơ sở hình thái học, rắn tiến hoá từ tổ tiên của loài thằn
lằn. Nghiên cứu gần đây dựa trên công nghệ gen và sinh hoá xác nhận rắn
tạo ra loại nọc độc cùng nguồn gốc với vài họ thằn lằn còn tồn tại.
Tất cả các loài rắn đều là loài ăn thịt. Chúng có thể ăn cả những con
rắn khác và các động vật có vú, các động vật nhỏ như thằn lằn, chim,
sâu bọ, kể cả trứng của các loài khác. Một số loài rắn có nọc độc để
giết chết con mồi trước khi ăn, một số loài rắn khác thì xiết con mồi
đến chết, có những loài rắn nuốt sống cả con mồi.
Xương hàm dưới của rắn rất linh hoạt, hai hàm không cố định mà đa số
được nối thẳng vào sọ, cho phép chúng mở rộng miệng để nuốt trọn con mồi
dù cho con mồi lớn hơn nhiều so với đường kính thân rắn.
Sau khi ăn, rắn trở nên lười biếng và thụ động khi hệ tiêu hóa bắt
đầu làm việc. Lúc này, hệ tiêu hóa hoạt động rất mạnh, nhất là khi phải
tiêu thụ con mồi lớn. Ở một số loài rắn, toàn bộ hệ tiêu hóa sẽ nghỉ
ngơi giữa những bữa ăn để tránh thất thoát năng lượng vì rắn ăn khá ít.
Người xưa có câu: “Rắn già, rắn lột; người già, người chột vào hang”
(ý nói người già thì chết, “hang” ở đây là huyệt mộ). Khi rắn lột da,
nếu không có đủ độ ẩm thì sẽ rất nguy hiểm, lớp da khô không thể bị lột
ra. Lớp da bám lại sẽ là nơi sản sinh ra bệnh tật và vi khuẩn. Một phần
nhỏ ở cuối đuôi rắn không hề thay đổi khi rắn lớn lên. Rắn tự cắt đứt
đường máu đưa tới khúc đuôi “thừa” và từ từ phần đuôi đó sẽ rụng.
Toàn thân rắn được bao bọc bởi một lớp vảy. Những chiếc vảy này rất
cứng, không lớn lên tương ứng theo sự trưởng thành của thân rắn. Vì vậy,
cứ 2-3 tháng rắn phải thay da một lần. Những chiếc vảy này không chỉ
giúp rắn bảo vệ mình mà còn có chức năng như bàn chân để có thể trườn
bò. Một số loại rắn đặc biệt có khả năng lướt nhanh, chúng có thể “lướt”
rất xa, tầm phóng xa khoảng gần 14 m.
Nọc rắn tuy độc hại, có thể giết chết người, nhưng chính độc tố đó lại có thể cứu người. Đúng như tiền nhân nói: “Dĩ độc trị độc”. Y học đã dùng hình tượng rắn làm biểu tượng.
Nọc độc rắn có thể là “độc tố thần kinh” hoặc “độc tố máu”. Độc tố
thần kinh tấn công hệ thần kinh, còn độc tố máu tấn công hệ tuần hoàn.
Rắn độc sử dụng độc tố máu thường có nanh tiết chất độc ở trước miệng,
giúp chúng dễ dàng tiêm thẳng chất độc vào nạn nhân. Rắn sử dụng độc tố
thần kinh có nanh nằm ở phía sau miệng, và nanh đó cong về phía sau.
RẮN TRONG Y DƯỢC
Theo Đông y, thịt rắn làm thông kinh mạch bị bế tắc và trừ phong hàn
nên được dùng để trị các chứng phong thấp. Nó cũng có khả năng chữa trị
chứng tê ngoài da, ngứa, nhất là ngứa kinh niên do chàm (eczema).
Rắn là nguồn cung cấp chất đạm rất tốt, thịt rắn tương đối nạc, ít
mỡ, vì rắn vận động nhiều. Thịt rắn chứa nhiều vitamin và khoáng chất
quý như kali, canxi, sắt, kẽm, vitamin A, D, B1, B2, B6, B9...
Đông y dùng rắn dưới nhiều dạng: Ngâm rượu, nấu cháo, rượu pha máu
rắn, ăn mật rắn. Y học cổ truyền Trung quốc có kê những toa thuốc lấy từ
2 loại rắn: một từ rắn độc Bạch hoa xà (chỉ chung 2 loài rắn hổ và cạp
nong) và một từ rắn nước gọi là Ô sao xà.
Đông y cho rằng rắn (không kể phủ tạng) có tính ấm, vị ngọt, tác động
vào Can kinh và Tỳ kinh. Cả hai loại trên có tác dụng như nhau, nhưng
rắn nước thì yếu hơn. Thịt rắn được dùng để trị các chứng phong thấp, tê
ngoài da, ngứa, nhất là ngứa kinh niên do chàm. Da rắn sau khi lột (xà
thuế) có tính bình, vị ngọt mặn, có tác dụng khu phong, chống co giật
nên được dùng trị bệnh phong ngứa ngoài da, và động kinh ở trẻ em.
Huyết rắn làm tăng sinh lực, bổ thận, có thể dùng chung với mật rắn
để tạo thành “huyết xà đởm”. Mật rắn vị đắng, tính hàn, có thể làm hạ
hỏa và tiêu đờm do nhiệt gây ra. Mật rắn cũng giúp làm tan máu bầm, được
ngâm rượu để chữa chứng nhức xương và phong thấp.
RẮN TRONG KINH THÁNH
Rắn được coi là “biểu tượng” của sự độc ác, ám chỉ những người ranh
mãnh, lọc lừa, gian dối, quỷ quyệt, không nên tiếp cận mà phải tránh xa.
Người ta thường dùng thành ngữ “cõng rắn cắn gà nhà” để chỉ những kẻ
đưa kẻ thù về làm hại gia đình hoặc tổ quốc mình – tương tự câu “rước
voi về giày mả tổ”.
Rắn cũng là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà
Thiên Chúa đã tạo dựng. Chính con rắn đặt vấn đề với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?” (St 3:1). Người đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn” (St 3:2). Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu!” (St 3:4).
Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?”. Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn” (St 3:13). Thiên Chúa phán với con rắn: “Mi
đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật
và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong
đời mi” (St 3:14).
Và Thiên Chúa nói tiếp: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn
bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào
đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3:15).
Cựu ước nhiều lần nói tới loài rắn.
Ông Gia-cóp có lời chúc phúc: “Ước gì Đan là một con rắn trên đường, một con rắn lục ở lối đi, cắn gót chân ngựa, khiến người cưỡi phải ngã ngửa” (St 49:17).
Có lần Thiên Chúa hỏi ông Môsê: “Tay ngươi cầm cái gì đó?”. Ông đáp: “Thưa một cây gậy” (Xh 4:2). Người phán: “Vất nó xuống đất đi!”. Ông Môsê vất nó xuống đất, và nó hoá ra con rắn. Ông Môsê liền chạy trốn (Xh 4:3).
Xh 7:8-13 ghi lại lời Chúa phán với ông Môsê và ông Aharon: “Nếu
Pharaô bảo các ngươi: Hãy làm một phép lạ xem, thì ngươi hãy nói với
Aharon: Anh cầm cây gậy của anh, ném xuống trước mặt Pharaô, và gậy sẽ
hoá thành một con rắn to”. Ông Môsê và ông Aharon liền đến với
Pharaô và làm như Đức Chúa đã truyền. Ông Aharon ném cây gậy của mình
xuống trước mặt Pharaô và bề tôi của vua: gậy hoá thành một con rắn to.
Pharaô cũng triệu các hiền sĩ và pháp sư đến; và các phù thủy Ai-cập
cũng dùng phù phép của mình mà làm như vậy: mỗi người ném cây gậy của
mình và gậy hoá thành một con rắn to. Nhưng gậy của ông Aharon nuốt gậy
của họ. Dù vậy, Pharaô vẫn cứng lòng, không nghe ông Môsê và ông Aharon,
như Đức Chúa đã nói trước.
Thiên Chúa lại phán với Môsê: “Ngươi hãy đến nói với Pharaô lúc
sáng sớm, khi nhà vua ra mé nước. Hãy đứng chờ để đón vua ở bên bờ sông
Nin. Hãy cầm trong tay cây gậy đã biến thành rắn” (Xh 7:15).
Tân ước cũng nhiều lần nhắc tới loài rắn.
Thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông Gioan Tẩy giả nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” (Mt 3:7).
Một lần nọ, khi nói về việc cầu nguyện, Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?” (Mt 7:9-10; Lc 11:11).
Còn khi nói về việc truyền giáo, Chúa Giêsu nói: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10:16).
Với những người tà tâm, Chúa Giêsu quả quyết: “Loài rắn độc kia, xấu như các người thì làm sao nói điều tốt được? Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Mt 12:34). Hoặc lần khác, Ngài nói: “Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia! Các người trốn đâu cho khỏi hình phạt hoả ngục?” (Mt 23:33).
Nói về “dấu lạ” ở những người có lòng tin khi trừ quỷ nhân danh Ngài, Đức Kitô cho biết: “Họ
sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và
nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh
khoẻ” (Mc 16:18).
Khi đám đông lũ lượt kéo đến xin được làm phép rửa, ông Gioan nói với họ: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” (Lc 3:7).
Nhóm Mười Hai hớn hở báo cáo với Sư Phụ về việc ma quỷ chạy cụp đuôi khi nghe nói đến tên Giêsu, Đức Kitô nói với họ: “Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em” (Lc 10:19). Nhưng Ngài nói thêm: “Chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10:20).
Cuối cùng, Đức Kitô nói về chính Ngài: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” (Ga 3:14).
Ngài nói về việc Ngài chịu chết nhục nhã trên Thập giá vì vâng lời
Chúa Cha và vì yêu thương chúng ta. Đó là Giờ Cứu Độ, là thời điểm giọt
Máu và giọt Nước cuối cùng chảy ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, và đó cũng
là Giờ Thương Xót. Chính giây phút đó, Đức Kitô đã chứng minh Lòng Chúa
Thương Xót là tha thứ mọi tội ác và mọi hình phạt đời sau cho tên cướp
Dismas: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43).
Dù tội lỗi ngập đầu, thế mà Dismas (người trôm lành) đã được trắng án
và là người đầu tiên được vào Nước Trời, dù trước đó Dimas chỉ nói một
lời cầu xin đơn giản: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23:42).
Năm mới, chúng ta phải canh tân thành con người mới, ai cũng phải
không ngừng cố gắng sống khôn ngoan như con rắn nhưng không được sống
xảo quyệt như nó, nhất là phải tái quyết tâm: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài!”.
Bí quyết canh tân là thực hiện lời Chúa Giêsu: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”
(Mt 5:48). Canh tân bản thân để không chỉ ích lợi cho bản thân và gia
đình, mà còn ích lợi cho xã hội, cho tổ quốc, và cho Giáo hội.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét