1. LỜI CHÚA: Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Cô-rinh-tô như sau: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10, 31).
2. SUY NIỆM:
“Học ăn học nói học gói học
mở” là lời răn dạy của tiền nhân đối với con cháu trong gia đình dòng
tộc: Ăn thế nào cho có văn hoá? Nói thế nào cho lễ độ lịch sự? Gói, mở
thế nào cho đẹp mắt cả về hình thức và ý nghĩa về nội dung? Đây chính là
những đức tính nhân bản mà mọi người đều phải học tập trong suốt cuộc
sống nếu muốn làm người trưởng thành về nhân cách và được người khác
kính trọng. Sở dĩ phải học ăn học nói, vì tuy chỉ là những việc ai cũng
biết, nhưng không phải ai cũng làm tốt, giống như treo một bức tranh lên
tường ai cũng làm được, nhưng không phải mọi người đều treo được bức
tranh cho ngay ngắn và hòa hợp với bức tường ở phía sau.
Vậy trước tiên hãy học cách
ăn uống sao cho lễ độ lịch sự vì nhân cách của một người sẽ được biểu lộ
trong cách ăn uống. Vậy chúng ta cần tránh những cách ăn uống nào và
cần phải ăn uống ra sao cho có văn hóa?
I. PHONG CÁCH ĂN UỐNG VÔ VĂN HÓA CẦN TRÁNH:
Người bất lịch sự không biết
nghĩ tới người khác khi ăn uống: Họ có thể ợ ngáp như ở trong phòng
riêng. Họ có thể húp canh sùm sụp. Có người vừa nhai nhồm nhoàm đồ ăn
vừa nói to tiếng, khiến thức ăn trong miệng văng sang người bên cạnh. Có
người không biết mời mọc những người cùng bàn. Việc dùng đũa gắp thức
ăn bỏ vào chén đĩa của khách quý tuy muốn thể hiện sự thân thiện, nhưng
lại vô tình gây khó chịu cho khách do việc dùng đũa đang ăn mất vệ sinh,
lại khiến khách phải khó xử khi không thích dùng món ăn đó. Trừ khi có
mối quan hệ thân tình với gia chủ hoặc theo thông lệ địa phương, người
ăn tiệc cần tránh mang đồ ăn dư về cho người ở nhà.
II. PHONG CÁCH ĂN UỐNG CÓ VĂN HÓA CẦN TẬP LUYỆN:
Phong cách ăn uống có văn hóa là khi biết nghĩ đến người khác như sau:
1) Trước bữa ăn trong gia
đình: Nên ấn định giờ ăn và mọi người cần hiện diện đúng giờ. Người đến
trước nên chờ người đến sau. Trừ khi phải chờ quá lâu, và sắp tới giờ
phải làm việc khác như đứa con cái đi học...
2) Gia đình cần tổ chức dùng bữa chung giữa các thành viên ít nhất mỗi
ngày một lần, để duy trì bầu khí yêu thương. Trong bàn ăn nên xếp chỗ
ngồi theo vị trí lớn nhỏ.
3) Cần tổ chức cầu nguyện
trước khi ăn bằng đọc kinh Lạy Cha. Tránh đọc với thái độ chiếu lệ,
nhưng tốt nhất nên đọc chung. Cũng có thể chủ nhà dâng một lời nguyện tự
phát ngắn gọn hợp với mục đích bữa ăn trước khi mọi người cùng đáp:
Amen.
4) Trong bữa ăn, cha mẹ không
nên trách phạt con cái hay vợ chồng không nên cãi lộn nhau. Nên khen
các món ăn ngon để động viên người nấu và tránh phê bình gay gắt các món
ăn chưa vừa miệng.
5) Trong bữa ăn, mỗi người
cần tránh chỉ ăn món mình thích, nhưng liệu sao để mọi người đều có phần
ăn. Nên quan tâm dọn đủ chén bát, muỗm đũa, dĩa ly.... Muốn nhờ ai lấy
giúp đồ ăn trên bàn, cần lựa thời điểm thích hợp. Người giúp lấy đồ ăn
không nên lấy đầy chén, vì có thể người kia còn lấy thêm món khác. Khi
để phần thức ăn cho người về sau, nên để ra một dĩa riêng. Nên kín đáo
bỏ xương xẩu hay đồ ăn không hợp miệng vào khăn ăn bên cạnh. Tránh vứt
đồ ăn xuống nền nhà vì mất vệ sinh chung.
6) Khi tham dự các bữa tiệc
tự chọn (Buffet), mỗi người cần phải xếp hàng lấy đồ ăn theo thứ tự
trước sau. Ai lấy trước tránh lấy quá nhiều vì ăn không hết phải bỏ đi,
đang khi những người lấy sau lại không còn các món ngon.
7) Trong bữa tiệc liên hoan, tránh ép nhau uống nhiều bia rượu vì vừa
có hại cho sức khỏe, lại vừa gây lãng phí tiền bạc của gia chủ. Tránh
ngồi dự thêm bữa tiệc sau dành riêng cho người phục vụ, để khỏi gây
phiền hà cho gia chủ và người nấu nướng cần dọn dẹp để về nhà sớm ăn
uống nghỉ ngơi.
8) Khi tham dự tiệc liên hoan
nhà hàng, cha mẹ không nên mang theo con cái, để tránh phiền hà cho gia
chủ. Cha mẹ không nên để con trẻ tự do nô giỡn trên sân khấu gây mất
trật tự và trở ngại cho việc biểu diễn của các ca sĩ.
9) Trong các bữa ăn tập thể riêng nhóm gia đình, mỗi người nên thể hiện
tinh thần phục vụ bằng việc giúp đỡ dọn dẹp chén bát trước và sau bữa
tiệc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét