Nói đến chuyện cờ bạc là
nói về “Kiếp Đỏ Đen”, nói đến những người có máu “ăn thua đủ”, những
người họ hàng gần với “Bác Thằng Bần”.
Thực
ra chẳng có gì là “kiếp” cả, mà chỉ “máu mê” quá hóa ra “máu me” mà
thôi. Nói đến “kiếp” nghĩa là nói đến số phận như một định mệnh an bài:
Kiếp người, kiếp tha hương, kiếp hồng nhan,… “Máu đỏ đen” không là
“kiếp” mà chỉ là do mình “quyết định”.
Theo
lẽ thường, đánh cờ là không phạm pháp vì đánh cờ (cờ tướng, cờ vua, cờ
cá ngựa, cờ vây,…) là trò giải trí có lợi cho trí óc, nhưng đánh bài
hoặc đánh bạc là phạm pháp vì thường có chuyện “ăn thua đủ” về tiền bạc.
Nhưng ngày nay, người ta đã biến những trò giải trí lành mạnh thành
những trò “sát phạt nhau”, do đó mà trở thành phạm pháp.
Ngày
xưa, dân Việt Nam đa số đều làm nông nghiệp, lại chỉ trồng lúa mỗi năm
một vụ (chứ không gieo gặt nhiều vụ như ngày nay) nên người ta có những
tháng nông nhàn, lại nhằm những ngày đầu năm, thế nên ca dao diễn tả:
Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà
Dư
âm Tết kéo dài cả tháng. Cũng có thể do nông nhàn, do rảnh rỗi, không
biết làm gì, nên người ta đã bày ra những trò giải trí để “giết thời
gian”. Nhưng rồi người ta lại thấy chưa “đã”, nhất là những người có
“của ăn, của để”, thế nên người ta sinh tật: “Nhàn cư vi bất thiện”. Ăn không, ngồi rỗi, người ta “nghĩ” ra đủ trò, biến cả những trò giải trí lành mạnh thành trò cá cược để ăn thua với nhau.
Người
có “máu” cờ bạc được gọi là “máu đỏ đen”. Cờ bạc rất đa dạng: Cờ tướng,
cờ vua, cờ cá ngựa, bài tam cúc, bài tứ sắc, xì phé, xì dách, binh xập
xám, tiến lên, bầu cua, xóc đĩa, tổ tôm, đánh chắn,… Ngày nay người ta
không đánh bạc bình thường mà còn dùng máy để đánh bạc ở các casino
(sòng bạc). Ngay cả bóng đá hoặc đua ngựa, những môn thể thao hoàn toàn
lành mạnh, nhưng những kẻ có “máu đỏ đen” lại lợi dụng các cuộc tổ chức
thể thao để cá độ, có những người “ăn thua” bạc triệu, bạc tỷ.
Những
người nghèo và những người chí thú làm ăn chỉ ăn Tết “ngắn hạn”, qua
tháng Hai thì người ta đã chuẩn bị cho vụ hoa màu. Còn những “đại gia”
không chỉ dành cả tháng Giêng để ăn Tết, họ còn dành những tháng khác
để… “ăn chơi”. Tuy nhiên, cách ăn chơi ngày xưa không như cách ăn chơi
ngày nay. Ca dao hoàn toàn “trong sáng” khi nói:
Tháng Giêng ăn tết ở nhà
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè
Cờ
bạc ngày xưa chỉ là chơi cho vui, chỉ ăn kẹo, ăn bánh, cao lắm cũng chỉ
ăn nhau vài xu, vài hào (theo thời giá Việt Nam ngày xưa). Rượu chè
cũng chỉ là nhâm nhi vài chung cho vui, tạo dịp cùng nhau ngồi tâm sự
chuyện đời. Còn ngày nay, người ta nhậu “không say không về”, còn đánh
bạc thì ăn thua nhau bạc tỷ, thế nên người ta có “kinh nghiệm” và đã
“biến tấu” ca dao thành:
Tháng Giêng ăn tết ở nhà
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè
Tháng Tư lẳng lặng mà nghe
Cái nghèo nó đến bên hè chói chang!
“Chói chang” thật. Cái “nắng nghèo” nó oi ả và gay gắt hơn cái nắng tự nhiên rất nhiều!
Tứ
đổ tường là cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách. Cái nào cũng khiến
người ta sất bất sang bang, ngơ ngẩn như kẻ mất hồn. Trong tứ đổ tường
thì “cờ bạc” là loại “đổ tường” được xếp đứng đầu. Từ kinh nghiệm nhiều
thế hệ trước, người ta đã đúc kết:
Cờ bạc là bác thằng bần
Cửa nhà mất hết tra chân vào cùm
Thằng
Bần là ai? Bần là nghèo. Thằng Bần là “thằng nghèo”. Có thể vì kẻ nghèo
không được tôn trọng nên người ta mới gọi là “thằng”. Người ta thường
nói: “Được ăn cả, ngả về không”. Canh bạc là vậy. Ăn đâu chẳng
thấy mà chỉ thấy thua. Nụ cười tươi bỗng chốc biến thành miệng méo xệch.
Hên xui chăng? Thực ra chỉ thấy “xui” chứ chẳng thấy “hên” gì ráo trọi!
Người
có “máu đỏ đen” cũng bị nghiện, vì thế mà họ không bỏ được. Bị trắng
tay rồi hứa lên hứa xuống, hứa ngang hứa dọc, nhưng rồi chẳng đâu vào
đâu. Chính tôi đã từng chứng kiến một thanh niên, đã có vợ con, tự lấy
dao chặt đứt một đốt ngón tay để hứa bỏ cờ bạc và chứng tỏ là mình… hứa
thật, nhưng sau khi vết thương lành hẳn thì “đâu lại vào đấy”, ngựa vẫn
quen đường cũ!
Khoa
học đã nghiên cứu và chứng minh rằng những người ham mê cờ bạc sẽ bị tê
liệt thần kinh, do vậy mà họ không tài nào bỏ được cờ bạc. Không có
tiền thì thôi, nhưng cũng vẫn đứng… ngó, có chút tiền trong túi thì họ
lại sợ tiền để lâu sẽ “mất linh”, ngó qua ngó lại rồi tiền cũng từ trong
túi nhảy xuống chiếu bạc ngay!
Có
những người quan niệm rằng “chơi phải cho ra chơi”. Đó thường là các
“đại gia”, những “ông to, bà lớn”. Họ có những kiểu chơi “khác người”,
hoàn toàn “độc đáo”, không “đụng hàng”, vì họ muốn “chơi nổi” để chứng
tỏ “đẳng cấp” của mình. Ví dụ:
Nguyễn
Văn Tèo – nguyên phó giám đốc sở Giao thông Vận tải tỉnh Sóc Trăng, và
Trần Văn Tân – nguyên giám đốc Trung tâm Sát hạch và cấp giấy phép lái
xe loại 3, trực thuộc Trường trung cấp nghề khu vực Đồng bằng sông Cửu
Long. Ngày 26-12-2011, công an đã bắt 2 “nhân vật” này về tội đánh cờ.
Họ không chơi cờ giải trí, cũng chẳng chơi cờ ăn vài trăm ngàn đồng,
chơi vậy chỉ… phí thời gian. Thế nên hai “đại gia” này đã cược mỗi ván cờ là 5 tỷ đồng. Công tử Bạc Liêu có sống thời nay cũng “chào thua” chứ chịu gì nổi!
Mới đây, trang http://hcm.24h.com.vn
đưa tin về một “nữ hoàng cờ bạc”. Bà L. là người nổi tiếng có máu “đỏ
đen” tại “đặc khu cờ bạc” TP Bavet (tỉnh Soài Riêng, Campuchia). Bà L.
là vợ của một danh ca cải lương ở TPHCM, có nhan sắc, ăn nói nhã nhặn và
nhiều tiền lắm của, bà L. luôn được “săn đón” tại các sòng bạc. Nhưng
rồi bao nhiêu tài sản chồng làm ra bà L. đều nướng sạch vào sòng bạc
khiến người chồng chịu hết nổi nên phải ly dị. Gần đây, người ta gặp bà
L. đang lẩn khuất trong hơn 20 “cái bang” (ngồi canh xin tiền người
thắng bạc) chầu chực ở sòng bạc Roya Le.
Cũng
tại “đặc khu” Bavet, giới cờ bạc còn nhắc đến “con bạc triệu đô” tên
Ng. (ở TPHCM). Sở dĩ Ng. có biệt danh này vì bà đã “nướng” vào các sòng
bạc ở khu vực này hàng triệu USD. Vào thời hoàng kim (2003), bà Ng. từng
tuyên bố một câu xanh rờn: “Khi nào nước sông Saigon cạn, Ng. này mới hết tiền đánh bạc”. Nói trước, bước không qua. Chỉ vài năm sau, lượng tiền khổng lồ của bà Ng. đều “gửi” cả vào “ngân quỹ sòng bạc”.
Anh
H., tại Mộc Bài (Tây Ninh), là một “cựu con bạc” vì đã phải làm bạn với
“bác thằng bần” vài năm qua. Cả gia trang bề thế tại Gò Dầu (Tây Ninh)
của anh đã sang tay người khác.
Trên
đường từ “thiên đường casino” trở về TPHCM, các con bạc thường phải đi
ngang qua cầu Gò Dầu (Tây Ninh). Người dân trong vùng quen gọi cầu Gò
Dầu là “cầu xóa nợ”. Gọi như vậy vì có nhiều người sau khi rời chiếu bạc
đã gieo mình xuống sông để… “xóa nợ”. Ông Nguyễn Văn Mèo (45 tuổi, sống
ở gần chân cầu), đã vớt xác hơn 10 con bạc nhảy cầu tự vẫn. Ông Mèo
nói: “Họ đều là những người thua bạc. Khi thân nhân đến nhận xác, tôi mới biết nạn nhân từng là người giàu có”.
Vì
không trả được nợ nên Ng. bị bắt giam tại Campuchia. Ông Q. (ở Bình
Dương), cha của Ng., phải bán mảnh đất để sang chuộc Ng. về. Về chưa
lâu, Ng. lại lén gia đình, tiếp tục qua Campuchia “nướng” thêm 3,3 tỷ
đồng. Rồi Ng. lại bị bắt 2 tháng, ông Q. phải lặn lội qua Campuchia
chuộc con lần nữa. Tổng cộng, Ng. đã “nướng” cho bài bạc số tiền 5,2 tỉ
đồng chỉ trong một thời gian ngắn!
Còn
nhiều “hoàn cảnh” khác cũng tương tự. Các con bạc đều có “mẫu số chung”
là… trắng tay. Cha Mẹ mê cờ bạc thì con cái khổ, con mê cờ bạc thì cha
mẹ khổ; chồng mê cờ bạc thì vợ con khổ, vợ mê cờ bạc thì chồng con khổ.
Nói chung, càng máu mê càng khổ. Con bạc khổ đã đành, đáng tội là làm
người khác phải khổ lây.
Phàm
việc gì cũng có hệ lụy riêng. Người có tiền đánh bạc thì muốn “ăn
không” của người khác, kẻ thua thì muốn gỡ. Càng chơi càng thua. Thua
bạc rồi sẽ nối tiếp các hậu quả khác: Bạo lực, trộm cướp, mại dâm, hối
lộ, tham nhũng,… Tệ nạn này nối tiếp tệ nạn khác, tệ nạn chồng chất tệ
nạn!
Nếu bạn là người có “máu đỏ đen”, hãy vừa bóp trán vừa đọc những câu ca dao này:
Cha già, con dại, anh ơi!
Anh đi cờ bạc suốt đời suốt năm
Anh thiêu hàng chục hàng trăm
Em đi bán vải nhặt dăm ba đồng
Cha già, con dại chờ mong
Anh đi vui thú, chơi rong một mình
Uổng công cha mẹ sinh thành
Uổng công gánh chữ chung tình của em
Cờ bạc canh đỏ canh đen
Nào ai có dại đem tiền vứt đi!
Bạn có thấy lương tâm cắn rứt và thấy thương thân nhân của mình? Bạn đọc tiếp đi:
Cờ bạc là bác thằng bần
Áo quần bán hết, ngồi trần tô hô!
Bạn đã từng lâm vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười” như vậy? Hoặc là:
Con mèo nằm bếp cháy đuôi
Ai thua cờ bạc đuổi ruồi không bay
Xùng xình áo lụa mới may
Hôm qua thấy bận, bữa nay mất rồi!
Tóm
lại, cờ bạc có lợi ích gì không? Bạn có đủ can đảm để trả lời thẳng
thắn và nghiêm túc? Chắc hẳn rất khó. Không trả lời được, nghĩa là bạn
đã nhận ra mình sai trái. Sai thì phải sửa. Khổng Tử nói: “Có lỗi mà không sửa mới thành người có lỗi”. Còn Dục Tử so sánh: “Biết đúng mà không theo là dại, sai mà không sửa là mê”. “Mê” ở đây là mê muội, nguy hiểm hơn là “dại”!
Thánh Thomas Aquinas, Linh mục Tiến sĩ Giáo hội, nói: “Nhàn rỗi là cái búa kẻ thù bổ xuống đầu ta. Ai không cầu nguyện thì như người lính ra trận không có vũ khí”.
Hãy cứu mình bằng cách cầu nguyện nhiều, cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện
không ngừng với lòng chân thành. Có Chúa và Đức Mẹ, bạn sẽ có thể vượt
qua chính mình. Đó là điều chắc chắn!
Ngày nào chúng ta cũng phạm tội, cho nên hằng ngày chúng ta phải cầu nguyện nhiều lần bằng lời kinh Chúa Giêsu dạy: “Xin tha tội chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6:12-13). Mùa Chay, việc ăn năn sám hối càng cần thiết hơn. Trở về với Chúa thì phải biết nhận lỗi mình và khẩn nguyện: “Lạy
Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá
tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài
thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm” (Tv 51:3-5).
Ham
mê cờ bạc là một dạng “thờ ngẫu tượng”, là ham mê vật chất. Vì “ham”
quá hóa “mê”, vì “kho tàng ở đâu thì lòng ở đó” (Mt 6:21). Thờ ngẫu
tượng tức là loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình. Thật nguy hiểm!
Hãy nhớ kỹ câu này: “Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử” (1 Pr 1:17). Chúa nói thật, không nói đùa. Thánh Phaolô quan ngại nên mới nói: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa” (2 Cr 5:20). Phải giao hòa với Thiên Chúa để hoàn thiện chính mình theo lệnh Thiên Chúa: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5:48).
Tết
đến, Xuân về, đồng thời Mùa Chay cũng nối tiếp. Mùa Chay là lúc thuận
tiện, và là mùa cứu độ. Đừng chần chừ, hãy sửa đổi ngay trước khi quá
muộn, vì biết đâu có thể không kịp! Hãy tin vào Thiên Chúa và Đừng sợ! vì “Ngài
là Đầu và là Cuối, là Đấng Hằng Sống, đã chết, nhưng đã sống lại và
sống đến muôn thuở muôn đời, chính Ngài nắm giữ chìa khoá của Tử thần và
Âm phủ” (x. Kh 1:17-18).
TRẦM THIÊN TH