Hội thảo Thánh nhạc Toàn quốc XXXI
TGP SAIGON – Đến hẹn lại lên, ngày 16-10-2012, tại TTMV TGP Saigon đã diễn ra buổi Hội thảo Thánh Nhạc Toàn quốc (BTN) toàn quốc lần thứ 31.
Chủ tọa đoàn là ĐGM Vinh-sơn Nguyễn Văn Bản (Giám mục GP Ban Mê Thuột, đặc trách BTN), LM Nguyễn Duy (Thư ký BTN). Tham dự buổi hội thảo có LM Kim Long, LM Đỗ Xuân Quế, LM Tiến Lộc,… và gần 100 hội thảo viên (các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các nhạc sĩ sáng tác, nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, các ca trưởng) thuộc các giáo phận của Giáo hội Công giáo Việt Nam. MC là NS Minh Tâm, thư ký là NS Phanxicô và NS Anh Tuấn.
Buổi hội thảo lần này tiếp tục đào sâu Bản hước dẫn Mục vụ Thánh nhạc. Có mấy điểm cần lưu ý:
– Một trong các vấn đề được quan tâm nhiều là vấn đề thánh vũ trong phụng vụ, nhất là trong phần dâng lễ vật, nhưng chưa có quy định rõ ràng của HĐGMVN. Có nơi thích dài, có nơi thích ngắn, có nơi thích giản dị, có nơi thích rườm rà. Nói chung, mỗi nơi mỗi khác, rất tùy hứng.
– Đã có sách Nghi thức Thánh lễ và Nghi thức Hôn phối, nhưng chưa có các sách về các nghi thức khác.
– Còn nhiều ưu tư trăn trở về nền Thánh nhạc Việt Nam. Bản văn chi phối âm nhạc, nghĩa là bản văn phụng vụ cố định, người soạn nhạc phải dựa trên bản văn đó mà dệt nhạc.
– Vấn đề từ ngữ chưa thống nhất, nhất là trong cách dịch. Thế nào là tiền xướng hoặc đối ca? Anti khác với Ante (trong ngoại ngữ), thế nào là nhạc đoàn, ban nhạc, hay ca đoàn? Ngày xưa gọi là ca vịnh, ngày nay gọi là thánh vịnh, vậy có nên dùng từ ca vịnh nữa? Do đó, rất cần sự thống nhất trong cách dịch và cách dùng từ ngữ trong phụng vụ thánh nhạc.
– Về vấn đề “công nhận ca trưởng”. BTN không có quyền này, mà những trường âm nhạc mới có quyền này.
– Nhạc đệm là phần phụ, không được át tiếng hát, nếu không thì bỏ đệm đàn. Đa số các ca đoàn thường mắc lỗi này.
9 giờ 15, các hội thảo viên được chia thành 3 nhóm thảo luận. Sau khi thảo luận, các nhóm có các kiến nghị:
Nhóm 1: Nên có hướng dẫn áp dụng phụng vụ thánh nhạc; mong muốn có danh sách các từ ngữ để dùng như một loại tự điển để tra cứu khi cần.
Nhóm 2: Nên xem lại từ ngữ trong bản quy chế, các từ ngữ được hiểu khác nhau theo trình độ của từng người; nên bỏ thánh vũ; Giáo hội kêu gọi hát bình ca bằng tiếng Latin, nhất là bộ lễ bằng tiếng Latin.
Nhóm 3: Bản hướng dẫn Phụng vụ Thánh nhạc đề cao việc hát cộng đồng, vậy ca đoàn thì sao? Các lễ trọng hoặc các dịp đặc biệt nên dùng bộ lễ nào? Trong bản hướng dẫn vẫn có nhiều điểm mâu thuẫn. Các văn bản quan trọng về Thánh nhạc bằng tiếng Latin, vậy đã có bản dịch sang tiếng Việt, nếu không thì các ca trưởng làm sao hiểu mà áp dụng đúng? Thánh nhạc ngày nay dùng theo Tây phương, vậy sẽ liên quan tiết tấu và nhịp điệu, các nhịp như Tango thì sao? Các thông tin và thông báo của Ủy ban Thánh nhạc được đăng trên các website nào?
Trong Bản hướng dẫn Thánh nhạc còn nhiều điểm cần được bàn thảo thêm để có bản hướng dẫn chính thức trình lên HĐGM. Còn về các nghi thức, LM Kim Long cho biết rằng có những nghi thức đã được HĐGM Việt Nam xin Tòa Thánh chuẩn nhận từ 3 năm qua, nhưng tới nay vẫn chưa có hồi đáp, đành phải chờ đợi thôi.
Buổi hội thảo kết thúc. Mọi người cùng dùng bữa trưa thân mật trong tình đoàn kết. Sau đó, mọi người chia tay. Hẹn gặp nhau tại Hội thảo Thánh nhạc Toàn quốc lần thứ 32 sẽ diễn ra tại TTMV TGP Saigon, ngày 10-4-2013.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét