Virút Ebola từ đâu đến?
Ebola không chỉ tấn
công người dân châu Phi cùng khổ, thiếu thốn phương tiện vệ sinh. Trong
số người chết đã có một nhân viên thiện nguyện y tế và một bác sĩ quốc
tịch Hoa Kỳ.
Một lý do để Ebola được
xếp loại vào hàng ngũ kẻ thù kinh khủng của nhân loại, là vì tính bất
trị của nó. Bất cứ ai dính vào nó và không được chữa chạy tức khắc, kết
quả không tránh được là cái chết. Kể từ năm 2008, mỗi đợt bùng phát
trước đây Ebola chỉ làm chết vài chục người là tối đa, nên chuyện đã bị
chìm xuồng. Vậy đợt nầy có gì tệ hại hơn?
Trong các đợt bộc phát
bệnh trước đây, con virút ghê rợn có liên hệ tới những người chuyên săn
lùng khỉ đột và vượn tinh tinh để lấy thịt làm thực phẩm, hay ăn thịt
những con khỉ không đuôi dạng người (ape) chết trong rừng. Nay dịch bệnh
lan tràn ở phía tây Phi châu, nơi không có loài khỉ đột, nên các nhà
nghiên cứu cho rằng nguyên nhân chỉ có thể là do loài dơi quạ (fruit
bat). Hồi 2007 ở Uganda, dịch Ebola được truy nguyên là bắt nguồn từ lũ
nhi đồng chuyên đùa giỡn với dơi quạ trong hang. Chúng mang xác hai con
dơi về nhà để các bà mẹ làm thức ăn cho chúng, rồi mới sinh tai họa.
Lần nầy, các nhà chuyên
môn chưa đưa ra kết luận chắc chắn, nhưng theo Jonathan Epstein, một
nhà sinh vật kiêm dịch tể học của EcoHealth Alliance, cho rằng dứt khoát
tập tục dùng thịt dơi làm thức ăn phải đóng một vai trò nào đó. Ông
nhận xét: “Mặc dù chưa có gì để xác nhận liệu có phải dịch bệnh do làm
thịt dơi, hay tiếp xúc với dung dịch từ xác con dơi trong đó có mầm
virút Ebola. Ngoài ra, các trại chăn nuôi lợn ở Phi châu thường là nơi
trú ngụ lý tưởng của loài dơi, cũng là một nguyên nhân nữa để xem xét. ”
Một khi nạn nhân đã có
các triệu chứng lây bệnh như ói mửa, nhức đầu rồi, văn hóa địa phương
còn đóng vai trò tích cực hơn để góp phần giúp nạn dịch phát triển một
cách đắc lực. Ở những nơi cùng trời cuối đất nầy, vừa thiếu bác sĩ vừa
thiếu thuốc men để chăm sóc bệnh nhân Ebola, nhưng ngay cả khi có đủ,
người dân vẫn không tin tưởng vào tây y. Bác sĩ Epstein cho hay “Trong
cơn tuyệt vọng trước tốc độ lây lan của nạn dịch, dân địa phương bán tín
bán nghi vào những người thiện nguyện làm công tác y tế đến từ các nước
phương Tây. Họ phải đối phó với quá nhiều thành kiến và luận tội, chỉ
tin tưởng thuốc men của lang băm và phù thủy địa phương đóng vai thầy
thuốc trong các xóm làng. ” Khi bệnh nhân qua đời, truyền thống buộc thi
thể người chết phải được chính tay gia đình tắm rửa – một cơ hội truyền
nhiễm bệnh hết sức hiệu quả. Vẫn chưa hết: chính những bàn tay không
sát trùng của thân nhân sau khi tắm rửa xác chết quay ra nấu nướng thức
ăn cho những người tới dự đám táng, để nhân lên số người được chia sớt
virút bệnh, mang về mỗi nhà để truyền tiếp cho lớp khác. Nếu bệnh nhân
chết tại lều y tế, xác sẽ được khử trùng rồi đem đốt hoặc chôn để ngăn
lây truyền bệnh, thay vì trả lại cho thân nhân, điều nầy trở thành sự
đau đớn cực độ về thể xác và tinh thần cho người nhà. Do đó, khi người
thân chết, họ tổ chức cướp xác về để làm các thủ tục phản khoa học và vệ
sinh phòng bệnh. Phần khác, do tốc độ truyền nhiễm Ebola quá nhanh,
những nạn nhân đến lều y tế lắm khi không trở lại lần thứ nhì, vì họ
nghĩ rằng chính các bác sĩ ngoại quốc mới chính là thủ phạm lây lan
bệnh, nên họ dồng lòng che giấu người bệnh, cho nằm nhà để bị xuất huyết
và truyền virút sang kẻ khác. Một nữ bệnh nhân ở Sierra Leone sau khi
xác định dương tính đang mang bệnh đã trốn khỏi bệnh viện; có nhiều xóm
làng khác cấm không cho các bác sĩ đặt chân vào cộng đồng của họ.
Hầu như khắp nơi, tục
lệ ăn thịt dơi đã là truyền thống tương tự ăn cơm bữa của người Việt,
một thói quen từ thủa mới lọt lòng mẹ. Họ không hình dung được sợi dây
liên hệ giữa chuyện săn dơi, giết dơi ăn thịt và bị bệnh. Nếu các thầy
lang có vì lòng nhân đạo mà cảnh cáo họ rằng thịt thú hoang làm họ lây
bệnh, họ vẫn không tin, mà chỉ nghĩ bệnh hoạn do quyền phép mầu nhiệm
của quỷ thần. Thật khó để thuyết phục người dân miền tây châu Phi tin
vào các phát hiện của khoa học, nhất là khi nạn dịch lây lan do một thứ
virút hiếm hoi, ngàn năm một thủa mới xảy đến cho cộng đồng của họ,
trong khi thịt dơi ngày càng quá hiếm. Trước mắt, nhiều người ăn cả chục
hay cả trăm con dơi mà vẫn mạnh khỏe như voi, chỉ đến khi ăn con dơi
thứ 101, mới đổ nợ; giống như ở Bắc Mỹ chúng ta vẫn nghe nhàm tai bệnh
bò điên (bò bị viêm não thể bọt biển, tiếng Anh: bovine spongiform
encephalopathy), nhưng các thông tin ấy không ngăn được chúng ta tiếp
tục ăn hamburger đều đều. Cơ hội nhiễm bệnh Ebola rất thấp, nguy hiểm
chỉ đến khi nhân loại nhân lên nhiều lần số người bị lây bệnh, một
truyền cho mười, mười người truyền cho cả trăm, để tạo thành một nạn
dịch.
Lời báo động xưa cũ bị cố tình bỏ quên
Hai mươi hai năm trước,
ngày 26/10/1992, ký giả Richard Preston công bố một bài báo dài 22
trang trên tờ The New Yorker dưới tựa đề “Crisis in the Hot Zone” (Khủng
hoảng trong Vùng Trọng điểm), tường thuật hiện tượng Ebola phát khởi
ngay tại viện nghiên cứu y khoa quốc phòng nằm khuất lấp bên trong Căn
cứ Fort Detrick gần thủ đô Washington vào năm 1989, với các triệu chứng
độc đáo của Ebola cũng như mối hiểm nguy chưa hề thấy mà căn bệnh đe dọa
các bác sĩ và những nhà nghiên cứu tiếp cận nó:
“Một dấu hiệu nhiễm
bệnh Ebola rất cổ điển... là sự cảm nhận hằn lên mặt người bệnh khi
virút Ebola đang hoành hành trong cơ thể. Sắc mặt trở thành trơ, không
mẩn cảm, như mang mặt nạ –chữ mà bác sĩ mô tả là ‘mặt ma’ – với cặp mắt
thao láo, vô hồn, trũng sâu. Bệnh nhân mở trừng mắt nhìn nhưng cách nhìn
như của thây ma sống lại nhờ phù phép. Điều nầy xảy ra sau khi Ebola
tàn phá màng não. Khuôn mặt vô hồn ấy xuất hiện trên cả hai đối tượng,
người và khỉ, bị nhiễm virút. Cả hai phản ứng giống hệt như đã được tẩm
thuốc ướp xác, mặc dù chưa chết hẳn. Phản ứng mỗi người bệnh có thể khác
nhau: buồn thảm, hằn học, giao động, hoặc rối loạn tâm thần. Một số còn
trốn khỏi bệnh viện. Máu đọng làm nghẽn các mạch dẫn tới các mô, gây ra
hoại tử – các mảng chết trên gan, lá lách, não, thận và phổi. Ở các ca
bệnh nặng, Ebola giết chết quá nhiều mô đến độ sau khi bệnh nhân tắt
thở, tử thi bị hủy hoại rất nhanh. Ở loài khỉ, và có thể ở trên con
người, một dạng tan rã xảy ra như nước đá gặp nắng, làm các mô kết nối,
da, và các cơ quan nội tạng vốn đã trở thành lốm đốm với các mảng chết
cũng như bị làm nóng bởi cơn sốt, nay bắt đầu chảy nhớt, và dòng máu lệt
sệt không đông đặc nhễu ra từ tử thi thẩm màu hơn với các phần tử
Ebola. Hiện tượng nầy có thể xem là một trong những chiến lược của loài
Ebola để thành công trong tiến trình tàn phá nhân loại. ”
Nhà báo Preston kể rằng
nhiệm vụ của nữ trung tá Nancy Jaax trong chương trình thí nghiệm của
Lục quân Mỹ hồi 1980 là xẻo xác khỉ chết vì bệnh Ebola ra từng mảnh để
quan sát. Bộ áo quần giống phi hành gia không gian của bà mặc có đến ba
lớp bao tay. Một bữa, người đồng sự của bà chợt thấy một lỗ thủng trên
bao tay bên phải của bà, đang nhuộm đầy máu của con thú chết vì virút
Ebola. Sau khi nhúng bao tay vào thuốc sát trùng Envirochem rồi cỡi ra,
bà Jaax thấy máu khỉ còn đọng lại bên trong, do lọt được qua lỗ thủng
của chiếc bao tay dày mo. Sau đó, có cái gì đó sền sệt trong chiếc bao
tay nặng, làm bà nghĩ không khéo có chỗ hở. Bà mang cả chiếc bao tay rửa
trong thuốc, trước khi mặc nguyên bộ quần áo dính liền bước vào phòng
ngăn không khí làm thủ tục sát trùng toàn thân. Khi cỡi xong bộ quần áo,
bà thấy tay mình nhuộm đỏ máu, mới nhớ ra rằng trước đó khi chuẩn bị
thức ăn cho gia đình ở nhà, lưỡi dao gọt vỏ trái cây đã cắt phạm vào
ngón tay, và bà đã quấn quanh chỗ cắt bằng một miếng băng dán. Vấn đề
đặt ra là trong số máu của con thú bệnh lọt vào bao tay, có giọt máu nào
thấm qua được miếng băng dán để chui vào vết cắt không. Nếu có, kể như
bà bác sĩ trẻ trung 42 tuổi đã lãnh bản án tử hình.
Theo lượng thông tin có
được hồi 1992, Ebola có hình dạng hình dây như sợi bún, là một trong
các lớp virút được biết đến dưới dạng filovirus, tức chủng loại virút
nguy hiểm cho tính mạng con người. Các nhà khoa học đã lấy tên con sông
Ebola, một phụ lưu của sông Zaire ở Congo để đặt cho con virút giết
người, sau khi cơn bệnh lạ bùng phát đồng loạt tại 55 ngôi làng khác
nhau dọc con sông Ebola, giết chết 85% tổng số người bị lây bệnh. Nếu
đừng kể đến bệnh dại và bệnh HIV, thì Ebola chiếm ngôi vị cao nhất trong
lãnh vực làm chết con người do một thứ virút. Con đường chính để Eboda
lây lan là qua tiếp xúc của người trong gia đình với máu và các chất
lỏng từ xác của thân nhân chết bệnh rỉ ra. Nạn nhân của Ebola chết
khoảng một tuần sau khi có dấu hiệu bệnh đầu tiên xuất hiện, thường là
cơn nhức đầu vớ vẩn. Ngay sau đó, người bệnh lên sốt cấp tính, rồi phát
triển thành những biến chứng phức tạp khác, trong đó có hai hiện tượng
ngược nhau: vừa đọng máu, vừa hoại huyết. Các dòng máu từ người bệnh ứa
ra lợn cợn các mảng đông đặc, xuất phát từ não, gan, và lá lách – tiếng
chuyên mô là DIC, tức Disseminated Intravascular Coagulation (hội chứng
đông máu lan tỏa nội mạch), có thể hiểu là tình trạng đột quỵ toàn thân.
Chưa ai giải thích được tại sao Ebola làm đông máu. Khi tiến trình đông
máu làm nghẽn máu cung cấp cho nội tạng, thì cơ thể cũng xảy ra tình
trạng hoại huyết. Da người bệnh có những chỗ bầm tím như bị đánh đòn,
nước mắt trào ra không kiểm soát được, ruột và hai tròng mắt chứa đầy
máu bầm. Mí mắt rỉ máu. Có thể bị tê liệt một bên dọc nửa thân người,
trong khi máu trào ra từ mũi, miệng, mắt và hậu môn. Cái chết chỉ chịu
đến sau khi bệnh nhân bị tra tấn cùng cực. Virút Ebola có vẻ như tàn phá
được khả năng miễn nhiễm của cơ thể con người, trong khi để chống trả
lại, chúng ta chỉ có thể làm những điều vô bổ và thụ động như khi chống
lại một trận sốt rét.
Trước cả chuyện của nữ
bác sĩ Nancy Jaax, đi lùi lại thêm 13 năm, vào ngày 6/07/1976, ở thị
trấn Nzara thuộc nước Sudan, trong miền rừng rú hoang vu cây cối che kín
mặt đất nằm sát bìa rừng nhiệt đới Phi châu, một người đàn ông tên YuG
chết vì triệu chứng sốt xuất huyết. Ông nầy là thủ kho của một nhà máy
chế biến bông gòn, chết vì một chủng loại virút mới thuộc dòng
filovirus, với các triệu chứng mà về sau mới được gọi tên là bệnh virút
Ebola. Tiếp theo đó, hai người đồng sự với anh nầy cũng chết cái chết
tương tự. Không ai biết được con virút lọt vào nhà máy thế nào, để sau
đó cơn dịch bệnh lan ra khỏi thị trấn, tràn qua thành phố Maridi ở mạn
đông, lọt vào bệnh viện lớn ở đây, triệt hạ các y tá và nhân viên bệnh
viện, rồi tới bệnh nhân, và mở rộng tới thân nhân người bệnh, làm nhân
viên bệnh viện hoảng sợ, trốn việc. Qua tháng 9, một trận dịch khác bùng
ra cách đó 500 dặm trong vùng Bumba của nước Zaire, nơi con sông Ebola
dồn nước xuống. Từ những ngày đầu ấy đến nay đã có 2. 273 trường hợp tử
vong được ghi nhận.
Quốc gia Liberia đã ra
lệnh đóng của biên giới để ngăn bệnh lan tràn từ các nước láng giềng,
nhưng các phi trường vẫn mở cửa. Hai công dân Mỹ, bác sĩ Kent Brantly và
y tá Nancy Writebol, bị nhiễm Ebola đang khi làm việc thiện nguyện
trong vùng có dịch, bị lây bệnh, và được không vận về điều trị ở
Atlanta. Bác sĩ Samuel Brisbane, một viên chức cao cấp ngành y tế của
Liberia, lây bệnh khi khám nghiệm bệnh nhân, đã mất mạng, sau khi một
bác sĩ khác chết bên Uganda, cũng do con Ebola là thủ phạm. Nhân viên
hải quan và di trú ở các phi trường Anh đang bối rối không biết phải xử
trí thế nào nếu một hành khách nhập cảnh trong tình trạng nhiễm bệnh đến
từ châu Phi. Tuy nước Mỹ cách xa châu Phi một biển Đại Tây Dương mênh
mông, nhưng vẫn chỉ là khoảng cách của một chuyến bay, như đã xẩy ra cho
hành khách Charles Monet, bị bác sĩ bó tay nên tống người bệnh lên
chuyến bay bay đi Nairobi. Trên tàu, ông khách đã ói mửa tràn lan chất
đỏ chất đen, biến lòng máy bay thành một lò sát sinh. Ông chết trước khi
tới bệnh viện, nhưng những con virút trong máu, nước miếng và đờm của
ông vẫn sống một cách hùng dũng.
Bác sĩ Jay Varkey của
bệnh viện Emory – nơi bác sĩ Kent Brantly và y tá Nancy Writebol được
cách ly và điều trị – nói rằng người Mỹ không cần thiết phải lo sợ là
bệnh sẽ tràn lan tại Hoa Kỳ. Cách trị liệu hiện nay chỉ là làm cho cơ
thể người bệnh khỏe khoắn hơn, để tự nó đối phó với mầm bệnh.
Dù sao đi nữa, chúng ta
phải nhìn nhận y khoa của loài người đang bó tay trước đối thủ Ebola.
Cái còn lại có lẽ chỉ là hy vọng vào lời cầu nguyện.
NgyThanh
|