Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu có từ thế kỷ XI, nhưng
mãi đến thế kỷ XVI thì việc sùng kính này vẫn chỉ là riêng tư, thường
gắn liền với lòng sùng kính Năm Dấu Thánh của Chúa Giêsu. Lễ Thánh Tâm
Chúa Giêsu đầu tiên được cử hành vào ngày 31-8-1670 tại Rennes, Pháp
quốc, nhờ nỗ lực của thánh Jean Eudes (1602-1680). Từ Rennes, lòng sùng
kính Thánh Tâm Chúa Giêsu lan truyền đi nhiều nơi, nhưng đến khi nhờ thị
kiến của thánh nữ Margaret Mary Alacoque (1647-1690) thì lòng sùng kính
Thánh Tâm Chúa Giêsu mới lan rộng toàn cầu.
Trong
những lần thị kiến, Chúa Giêsu hiện ra với thánh nữ Margaret Mary
Alacoque, Thánh Tâm Chúa Giêsu giữ vai trò chính. Lần hiện ra quan trọng
xảy ra vào ngày 16-6-1675, trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa
(Corpus Christi), là nguồn gốc lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu ngày nay.
Trong
lần thị kiến đó, Chúa Giêsu yêu cầu thánh nữ Margaret Mary Alacoque xin
giáo quyền cử hành lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu vào thứ Sáu sau lễ Mình Máu
Thánh Chúa, để đền bù sự vô ơn bạc nghĩa (reparation for the
ingratitude) của loài người đối với sự hy sinh cao cả của Chúa Giêsu.
Thánh Tâm Chúa Giêsu là hiện thân không chỉ về trái tim về thể lý mà còn
là tình yêu thương dành cho nhân loại.
Lòng
sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu khá phổ biến sau khi thánh nữ Margaret
Mary Alacoque qua đời năm 1690, nhưng vì Giáo hội lúc đó còn nghi ngờ
giá trị thị kiến đích thực của thánh nữ, nên mãi đến năm 1765 lễ Thánh
Tâm Chúa Giêsu mới được cử hành chính thức tại Pháp quốc. Gần 100 năm
sau, năm 1856, ĐGH Piô IX mới mở rộng biên độ mừng kính lễ Thánh Tâm
Chúa Giêsu trên toàn cầu theo yêu cầu của các giám mục Pháp.
Theo
yêu cầu của Chúa Giêsu, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu được cử hành trọng thể
vào thứ Sáu trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa, hoặc 19 ngày sau
lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Thánh Thể và Thánh Tâm tuy hai mà một,
vì đều là Nguồn Tình Yêu vô biên của Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương nhân
loại tội lỗi đến cùng đến nỗi chết nhục nhã trên Thập giá.
Lạy
Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin thương xót và tha thứ chúng con, xin biến đổi
chúng con nên mới thực sự để chúng con hiểu được tình yêu Chúa và chỉ
yêu Chúa mà thôi. Amen.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Catholicism.about.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét