Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

NĂM PHÚT LỜI CHÚA MỖI NGÀY


Tháng 12 năm 2011  
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 12/2011  
Ý chung: Cầu cho các dân tộc. Xin cho các dân tộc trên toàn thế giới biết tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau phát triển trong liên đới và hòa bình.  
Ý truyền giáo: Cầu cho nạn bạo hành trẻ em chấm dứt. Xin cho các trẻ em và người trẻ trở nên sứ giả của Tin Mừng và phẩm giá của họ luôn được tôn trọng và bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo hành và xâm hại.  
03/12/11
thứ bảy đầu tháng tuần 1 mv
Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục
Mc 16,15-20
tin đáng mừng
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm : Đã mang niềm vui trong lòng, ai cũng muốn đem ra chia sẻ. Tại Sea Games 26 vừa qua, nhiều vận động viên khi đạt huy chương thì việc đầu tiên họ làm là gọi điện thoại về cho những người thân yêu nhất để chia sẻ niềm vui. Một tin vui làm thay đổi số phận một cá nhân, làm nức lòng biết bao người mong đợi, làm vẻ vang cho gia đình, cho đất nước như thế ai lại không muốn loan đi thật mau, thật rộng để mọi người cùng vui? Thế thì chẳng lẽ đối với Tin Mừng cứu độ, chúng ta lại bưng bít? Niềm vui mà các môn đệ hăm hở chia sẻ chính là sự phục sinh của Thầy Giêsu. Niềm vui ấy như nước vỡ bờ. Bởi cái chết của Thầy đã làm các ông đau đớn tột độ, thì việc Ngài phục sinh càng đem lại cho các ông niềm vui vô song. Niềm vui đó không được phép đóng khung trong một nhóm khép kín mà phải được loan đi đến tận cùng thế giới.
Mời Bạn : Thánh Phanxicô Xaviê cảm nghiệm được giá trị của Tin Mừng, và đã không quản ngại khó khăn để ra đi loan báo cho người khác. Với ngài, dù được lời lãi cả thế gian cũng không vui bằng được biết Đức Kitô. Còn đối với bạn, đâu là niềm vui đích thực của bạn: Trúng số? Thành công?... Hay Đức Kitô? Bạn có cảm nghiệm được niềm vui vì được Đức Kitô, vì được cứu độ chưa?
Sống Lời Chúa : Dành thời gian suy niệm Lời Chúa mỗi ngày để cảm nghiệm niềm vui được Chúa cứu độ.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, chúng con chỉ có thể hăm hở loan báo Tin Mừng khi chính chúng con cảm nghiệm được niềm vui mừng trước những hồng ân Chúa ban. Xin soi lòng mở trí để chúng con nhận ra đâu là tin đáng mừng.
04/12/11
chúa nhật tuần 2 mv – b
Mc 1,1-8
dọn đường chúa đến
“Hãy dọn sẵn con đường Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” (Mc 1,3)
Suy niệm : Để xây dựng đất nước văn minh, việc phát triển hệ thống đường sá hiện đại là một yêu cầu tiên quyết. Bởi thế mà muốn biến các vùng đất hoang vu thành đô thị, khu công nghiệp, v.v… thì việc đầu tiên là phải làm đường; còn ở chính các đô thị, nếu hệ thống đường sá không kịp nâng cấp, mở rộng thì sẽ xảy ra cảnh ùn tắc giao thông làm chậm trễ mọi sinh hoạt, chưa nói tới hậu quả là tai nạn giao thông gia tăng, gây hại cho biết bao nhân mạng và tài sản. Nhưng đó là chuyện những con đường vật chất để phát triển cuộc sống ở đời này. Trong mùa Vọng, Tin Mừng mời gọi chúng ta “sửa đường” nhưng là sửa những con đường tâm linh để chuẩn bị mừng kỷ niệm việc Chúa nhập thể làm người hơn hai ngàn năm nay và đón tiếp Ngài sẽ đến với chúng ta bây giờ và trong ngày quang lâm.
Mời Bạn : Dọn đường! Bạn đừng nghĩ là chỉ đi xưng tội, trong khi con đường giao lưu giữa người với người đã bị tắc nghẽn vì giận hờn, ghen ghét… Ở bên nhau mà vẫn như nghìn trùng xa cách. Sửa đường! Bạn hãy nghĩ đến những ơ hờ lạnh nhạt đối với Chúa, gian dối với Ngài, với người khác và với chính mình, những hố sâu của tham lam, những khúc quanh của dối trá, những gồ ghề của ngang ngạnh… Chúa đang cần đi trên những con đường lòng chính trực, đơn sơ, hiền hòa, khiêm tốn đón nhận giáo huấn của Chúa, biết hy sinh chính mình để phục vụ tha nhân.
Sống Lời Chúa : Xét mình xem tôi đang đi trên con đường nào, và cần sửa chữa ra sao.
Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi tham dự Thánh lễ, xin cho con biết dọn mình xứng đáng để rước Chúa vào lòng.
05/12/11
thứ hai tuần 2 mv
Lc 5,17-26
lòng khao khát chúa
Họ lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giê-su. (Lc 5,18)
Suy niệm : Mấy người khiêng anh bạn bại liệt không nói một lời, nhưng hành động của họ lại diễn tả mạnh mẽ họ khát khao gặp Chúa như thế nào. Chiếc cáng cồng kềnh, cùng với đám đông đã bít kín mọi lối dẫn họ đến với Đức Kitô; nhưng tất cả mọi chướng ngại đó đều không thể ngăn cản họ đem người bạn bại liệt đến với Chúa để được chữa lành. Họ đã tìm ra một cách không tưởng để đạt được điều họ khao khát: dỡ cả mái nhà, đưa bạn mình xuống để gặp được Ngài. Thấy lòng tin mạnh mẽ của họ, Chúa ban ơn gấp bội phần điều họ kêu xin: Ngài chữa lành bệnh phần xác lại còn tha thứ tội lỗi phần hồn. Về phần mình, anh bại liệt không chỉ đáp lại bằng một lời cám ơn, anh về nhà “vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 5,25).
Mời Bạn : Có lẽ số phận ngồi tù là một trong những hoàn cảnh bế tắc nhất của một người, thế nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản tâm hồn khao khát Chúa như ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận làm chứng: “Ban đêm, các tù nhân thay phiên nhau thờ lạy Chúa. Với sự hiện diện lặng lẽ, Chúa Giêsu Thánh Thể đã lam nên những việc kỳ diệu… Và thế là đêm tối của nhà tù đã trở thành ánh sáng Phục sinh… Nhà tù trở thành trường dạy giáo lý.” Với cuộc sống hiện đại dư thừa tiện nghi vật chất, người ta dửng dưng không cần đến Chúa. Phần bạn, điều gì thúc bách bạn khao khát tìm đến Chúa để được Ngài cứu độ?
Sống Lời Chúa : Trong ngày, bạn dành ít phút hồi tâm hoặc viếng Thánh Thể để khơi dậy lòng khao khát Chúa.
Cầu nguyện : Như nai rừng mong mỏi, tìm về suối nước trong, hồn con luôn mong mỏi, tìm gặp Ngài, lạy Chúa.
06/12/11
thứ ba tuần 2 mv
Thánh Nicôla, giám mục
Mt 18,12-14
cách tính toán của chúa
“Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc?” (Mt 18,12)
Suy niệm : Nếu không coi con chiên lạc là quý thì người mục tử ắt hẳn đã không lặn lội đi tìm. Vả lại nếu tính toán theo giá trị kinh tế, thì người ấy ắt hẳn không chấp nhận công thức 1 > 99 để bỏ cả đàn chiên lại trên núi mà đi tìm con chiên lạc. Đối với Thiên Chúa, mỗi một con người đều có một giá trị không thể thay thế cho dù người đó là tội nhân. Bởi thế bất cứ ai lầm đường lạc lối, đều được Ngài yêu thương, và lặn lội đi tìm như thể trên thế gian này chỉ có một người ấy: “Con Người đến để tìm cứu chữa những gì hư mất” (Lc 19,10).
Mời Bạn : Nếu suy nghĩ với một đầu óc thực dụng, chúng ta sẽ không thể hiểu được tại sao “1” lại có giá trị hơn “99.” Trái lại, điều này sẽ trở nên rất dễ hiểu nếu chúng ta suy nghĩ theo lý lẽ của con tim; tựa như người mẹ lạc con, bà cũng sẽ coi mọi sự khác là không đáng kể và tất tả đi tìm đứa con bị lạc vậy.
Chia sẻ : Khi trong cộng đoàn có người làm điều sai lỗi, chúng ta dễ có thái độ nóng nảy kết án, tranh cãi hơn thua, từ đó, đánh mất tình bác ái huynh đệ, xúc phạm danh dự của nhau. Để tránh tình trạng đó, chúng ta phải làm gì?
Sống Lời Chúa : Để mở đường cho người tội lỗi hối cải, trước tiên bạn biết sám hối tội lỗi của mình và thường xuyên cầu nguyện cho người tội lỗi có lòng ăn năn.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, Chúa không muốn con đi lạc xa đường lối Chúa và Chúa cũng không muốn con cầu an thụ động khi anh em con lầm đường lạc lối. Xin cho con luôn biết dấn thân phục vụ vì vinh danh Chúa và vì lợi ích thiêng liêng cho anh chị em con. Amen.
07/12/11
thứ tư đầu tháng tuần 2 mv
Thánh Ambrôxiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 11,28-30
học với thầy giêsu
“Anh em hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,29)
Suy niệm : Các bậc võ sư công phu đã đạt tới mức thượng thừa bao giờ cũng có những ngón đòn ruột, những thế võ bí truyền mà các vị chỉ dạy cho những môn đệ thân tín nhất, những người trung thành và có khả năng kế thừa sự nghiệp của mình. Ngón bí truyền mà Thầy Giê-su dạy chúng ta “hãy học với Chúa” không phải là khả năng làm phép lạ chữa bệnh hay trừ quỉ, càng không phải là tài giảng thuyết hùng biện hấp dẫn. Đó là những đòn tuyệt chiêu đem lại chiến thắng trước kẻ thù hung hãn nhất là ma quỉ.
· Đòn số Một: Hiền Lành, đòn này có thể khuất phục tất cả mọi thứ bạo lực.
· Đòn số Hai: Khiêm Nhường, liên hoàn với đòn số một, có khả năng hoá giải được cả nọc độc kiêu căng của ma quỉ.
Mời Bạn : Lắm khi chúng ta tưởng lầm rằng hiền lành và khiêm nhường là dấu hiệu của sự yếu đuối, khiếp nhược hèn hạ. Xin bạn nhớ cho rằng nhờ hiền lành và khiêm nhường mà Thầy Giê-su đã tiêu diệt được tội lỗi và sự chết. Cứ chiêm ngắm cuộc đời và nhất là cuộc thương khó của Ngài thì rõ.
Chia sẻ : Cần phải có nghị lực thật mạnh mẽ và tâm hồn thật cao thượng mới có thể dùng “hiền lành và khiêm nhường” để chiến thắng bạo lực và kiêu căng. Bạn thảo luận xem có thật như thế không.
Sống Lời Chúa : Chiêm ngắm những biến cố trong cuộc đời Chúa Giê-su, đặc biệt trong cuộc thương khó của Ngài để thấy được đức “hiền lành và khiêm nhường” của Chúa, để mến phục, thấm nhiễm và sống như Chúa.
Cầu nguyện : Lạy Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhường vô cùng, xin dạy con biết sống như Chúa.
08/12/11
thứ năm tuần 2 mv
Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Lc 1,26-38
không có gì là không thể
“…Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1,36-37)
Suy niệm : Con người ngày nay âu lo vì sống trong môi trường ô nhiễm: ăn rau thì lo dư lượng thuốc trừ sâu, mua trứng thì sợ trứng gà nhân tạo, thậm chí ăn chay với nước tương cũng sợ chất gây ung thư… Nạn ô nhiễm môi trường sinh học cảnh báo một sự ô nhiễm khác đang tàn phá ở tầng sâu hơn của đời sống con người, đó là sự ô nhiễm tinh thần, bị lộ diện qua tình trạng gian dối bất công tràn lan trong môi trường giáo dục, qua tính chất bạo lực và khiêu dâm trong lĩnh vực truyền thông và giải trí… Phải chăng con người bó tay trước vấn nạn nhức nhối này bởi vì biết bao nhiêu biện pháp khắc phục mà dường như không có hiệu quả? Đức Maria làm chứng và củng cố niềm hy vọng cho chúng ta bằng chính đời sống mẫu gương của Me ̣ : sống vô nhiễm ở giữa môi trường ô nhiễm để thanh luyện và thánh hoá nó bởi vì ngài luôn phó thác trong niềm tin tưởng rằng “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.
Mời Bạn : Bạn cũng “vô nhiễm” giống Mẹ khi bạn được tái sinh và được thánh hiến trong Bí tích Rửa Tội. Được thánh hiến như thế không phải để bạn rút lui, không “dính bén” gì với thế gian này kẻo lại bị ô nhiễm, mà trái lại, bạn được đặt để như “sen giữa lầy,” chẳng những “không hôi tanh mùi bùn” mà còn toả hương làm cho thế giới này tốt đẹp hơn nhờ đời sống thánh thiện của bạn. Mời bạn luôn học gương Đức Maria để sống vô nhiễm giữa một môi trường ô nhiễm.
Sống Lời Chúa : Thường xuyên lãnh nhận Bí tích Hòa giải để sống chứng nhân thánh thiện như “sen giữa lầy.”
Cầu nguyện : Lạy Mẹ Maria, xin gìn giữ hồn xác con trong sạch, để như Mẹ, con luôn được có Chúa ở cùng.
09/12/11
THỨ SÁU TUẦN 2 mv
Thánh Gioan Điđacô
Mt 11,16-19
đừng áp đặt ý chúa
“Tôi phải ví thế hệ này với ai. Họ giống như lũ trẻ gọi lũ trẻ khác, và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám mà các anh không đấm ngực khóc than.’ ” (Mt 11,16-17)
Suy niệm : Thần thoại Hy lạp có kể câu chuyện một tên tướng cướp biệt danh là Procrustes. Hắn ta tính tình cổ quái, cướp của ai rồi, trước khi giết, hắn bắt người ấy nằm trên một cái giường; nếu người đó ngắn hơn, thì hắn kéo giãn ra cho vừa; còn nếu dài hơn, hắn chặt bỏ khúc dư. Không chỉ trong thần thoại Hy Lạp mà nơi những người đương thời với Chúa Giêsu cũng có cung cách tương tự khi Ngài sánh ví họ với đám trẻ nô đùa ngoài chợ: có những đứa bỗng dưng “nổi chướng” bắt các bạn phải khóc phải cười theo ý thích không giống ai của chúng.
Mời Bạn : Quả thật kiểu áp đặt thô bạo này vẫn có thể tồn tại ở mọi nơi và với mọi người. Lắm khi chúng ta thích lấy ý riêng mình làm khuôn mẫu bắt mọi người phải theo, và thậm chí còn áp đặt cả Thiên Chúa cũng phải nằm lên “cái giường của Procrustes” đó: đó là khi chúng ta bắt Thiên Chúa phải chiều theo lối giữ đạo “thời vụ” của mình, khi chúng ta lý luận, gia giảm, châm chước, “lách” luật Chúa cho phù hợp với nhu cầu của mình (chẳng hạn “lách” luật “giữ ngày Chúa Nhật”). Coi chừng bạn đang “tùng xẻo” cả Thiên Chúa đấy! Để có thể gạt bỏ mọi định kiến, và mọi áp đặt ý Chúa, trước tiên bạn hãy hồi tâm tìm lại sự bình an và sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa; và rồi mời bạn suy niệm Lời Chúa nói, chiêm ngắm cách Chúa làm. Lúc đó bạn sẽ thấy được ý Chúa.
Sống Lời Chúa : Trung thành với việc suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa.
10/12/11
thứ bảy tuần 2 mv
Mt 17,10-13
nhận ra chúa khi ngài đến
“Ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra ông, nhưng đã đối xử với ông theo ý họ muốn.” (Mt 17,12)
Suy niệm :  người chơi chữ nên giải thích theo nguyên ngữ La Tinh rằng “Mùa Vọng” (adventus) là mùa “phiêu lưu” (adventurus), –cả hai từ đều chung một gốc advenire, có nghĩa là “đến”– mùa “phiêu lưu” của Chúa! Quả thật Thiên Chúa đã làm một cuộc phiêu lưu khi thực hiện cuộc giải cứu nhân loại khỏi tội lỗi. Để làm điều đó, chưa kể đến cuộc chuẩn bị kéo dài miên viễn, mà “khi thời gian tới hồi viên mãn” (Gl 4,4) Con của Ngài sinh xuống làm người, cuộc giải cứu đã có nguy cơ bị bóp vỡ từ trong trứng nước. Nhưng bi đát nhất là chính những con người mà Ngài đến để giải cứu lại không nhận ra Ngài. Sở dĩ ta chưa nhận ra Ngài vì ta thường ép nặn một Thiên Chúa cho vừa cái khuôn theo ý riêng mình, lấy đường lối của mình thay thế đường lối của Thiên Chúa và bắt Ngài phải đi theo con đường của mình. Cho nên khi Chúa sinh ra trong hang đá nghèo hèn, sống khó nghèo với người nghèo, chết chôn nhờ mồ người khác, thì con người không thể nhận ra Ngài. Thật đáng tiếc thay!
Mời Bạn : Có thể bạn đã quen với hình ảnh một Hài Nhi “được vấn tã đặt nằm trong máng cỏ;” thế nhưng khi Chúa đến theo đường lối khiêm hạ, nghèo hèn giữa muôn người nghèo để có thể sống với và sống cho người nghèo, bạn có bị che khuất không nhận ra Ngài không?
Chia sẻ kinh nghiệm về việc nhận ra một lần Chúa đến trong đời bạn.
Sống Lời Chúa : Sẵn sàng đón nhận và giúp đỡ những người nghèo hèn, bất hạnh vì Chúa đến trong những người đó.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ ý riêng có tâm hồn rộng mở để có thể nhận ra Chúa đang đến với con.
11/12/11
chúa nhật tuần 3 mv – b
Ga 1,5-8.19-28
làm chứng với lời nói “không”
Và đây là lời chứng của ông Gioan…: “Tôi không phải là Đấng Kitô.” (Ga 1,6-7)
Suy niệm : Đại hội Sea Games 26 đã khép lại nhưng trong lòng người hâm mộ Việt Nam vẫn còn một nỗi buồn trĩu nặng, không phải vì đội tuyển bóng đá thân yêu để vuột mất giấc mơ vàng, mà chính vì nghi vấn các cầu thủ đã bán độ: Phải chăng họ đã không thể nói “không” trước cơn cám dỗ của bạc tiền?
Có thể nói Gioan Tẩy Giả là vị ngôn sứ biết nói “không.” Quả thực Gioan đã nói “không” ngay từ lúc ngài khước từ một cuộc sống an nhàn bình lặng–và chắc chắn được nể trọng–trong chức vụ tư tế thừa hưởng từ cha mình là Dacaria. Ngài đã nói “không” đối với chính mình khi chọn một cuộc sống khổ hạnh để thực thi sứ mạng giới thiệu Đấng Cứu Thế. Ngài nói “Tôi không phải là Đức Kitô” để Đức Kitô đích thực được nhận biết, được tin theo và được yêu mến.
Mời Bạn : Mọi hình thức tham lam – tham danh hám lợi, đam mê dục vọng, ham hố địa vị quyền lực – đều nhằm thoả mãn cái tôi ích kỷ, muốn hưởng thụ và thống trị. Chẳng chóng thì chầy, cái tôi đó sẽ tiến tới chỗ loại bỏ Thiên Chúa để đặt mình làm chúa tể. Bạn được mời gọi làm chứng bằng cách dám nói “không” trước mọi thứ tham lam đó, để cái tôi ích kỷ “phải lu mờ đi” và để Đức Kitô “nổi bật lên” (Ga 3,30).
Chia sẻ : Bạn đang làm những việc tự bản chất hết sức tốt đẹp, nhưng biết đâu bạn đang bị thúc đẩy bởi những động lực tiềm ẩn của cái tôi ích kỷ. Làm thế nào để khám phá và điều chỉnh chúng?
Sống Lời Chúa : Thường xuyên xét mình để nhận biết và loại bỏ những động lực ích kỷ trong các hoạt động.
Cầu nguyện : Lạy Chúa xin giúp con xoá bỏ cái tôi ích kỷ nơi con để Chúa được nhận biết và tin yêu nơi tha nhân.
12/12/11
thứ hai tuần 3 mv
Đức Mẹ Guađalupê
Mt 21,23-27
quyền bính vì sứ mạng
Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” (Mt 21,23)
Suy niệm : Chúa Giê-su từng phân tích hai lối dùng quyền bính, một của thói đời và một của những người theo Ngài. Theo thói đời, những người nắm giữ quyền bính thường dùng mọi phương tiện để thống trị dân (Lc 22,25). Chính vì tham vọng thống trị, nên họ thường tìm mọi cách tiêu diệt những ai bất phục họ. Thái độ của các thượng tế và kỳ mục đối với Chúa Giêsu trong câu Tin Mừng trên là một bằng chứng. Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài rằng quyền bính là để phục vụ cho sứ mạng. Chúa Giê-su đã sống như thế. Chúa Cha đã ban cho Người mọi quyền bính trên trời dưới đất (Mt 28,18), nhưng Ngài không bày tỏ quyền uy để thống trị, mà cốt để ý muốn Chúa Cha thể hiện dưới đất. Thậm chí, Ngài còn hiến mạng sống cho sứ vụ. Nói cách khác, quyền bính Ngài không uy hiếp bất cứ ai; trái lại, để đưa dẫn con người vượt thắng uy lực của sự dữ và cứu độ con người.
Mời Bạn : Nhìn ngắm mẫu gương Chúa Giêsu sử dụng quyền bính để kiểm điểm bạn đang sử dụng quyền bính thế nào: Bạn thấy mình phải sửa đổi điều gì?
Chia sẻ : Vì sao quyền bính trần thế thường gây xung đột với quyền bính của Giáo Hội?
Sống Lời Chúa : Mỗi ngày có một hành động phục vụ người thuộc quyền mình.
Cầu nguyện : Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết cảm tạ Chúa về những vai trò Chúa giao phó cho con, cho con biết sử dụng quyền Chúa ban để giúp anh chị em con đến gần Chúa, sống tín thác vào Chúa hơn. Xin cho con nhận thức rằng, Chúa muốn con làm theo gương Chúa.
13/12/11
thứ ba tuần 3 mv
Thánh Luxia, trinh nữ, tử đạo
Mt 21,28-32
đức tin không tự mãn
“Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.” (Mt 21,31)
Suy niệm : Hoán cải, thay đổi đời sống là bằng chứng cụ thể của người tin. Những người thu thuế và các cô gái điếm, bị xem là những người tội lỗi, nhưng lại xứng đáng với Nước Thiên Chúa vì đã biết hoán cải nhờ tin vào lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả. Nhờ lòng tin này, họ được vào Nước Thiên Chúa trước các thượng tế và kỳ mục, những người tự mãn cho mình là thanh sạch và xứng đáng hơn. Chúa Giêsu đã tuyên bố điều này để cảnh cáo thái độ tự mãn của các thính giả của Ngài dẫn đến chỗ cứng lòng không tin và không chịu hoán cải.
Mời Bạn : Muốn được cứu độ nhất thiết có đức tin. Tuy nhiên, tự mãn trong đức tin là điều rất nguy hiểm. Nó làm cho con người ù lì, cứng lòng, không chịu hoán cải và tệ hại hơn cả là lấy mình làm tiêu chuẩn đánh giá người khác. Trước mặt Chúa, chẳng ai trong chúng ta là người hoàn hảo, nắm trọn chân lý đức tin. Vì vậy, mỗi một người đều cần phải biết hoán cải, làm mới bản thân mỗi ngày để biết ngày càng sống phù hợp với tinh thần Tin Mừng hơn.
Chia sẻ : Bạn tin vào Chúa, tất nhiên, nhưng bạn có những cách thế nào để làm chứng cho niềm tin đó?
Sống Lời Chúa : Nhắc lại Lời Chúa “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26) để cố gắng thăng tiến đức tin mỗi ngày bằng hành động cụ thể.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, nhờ đức tin chúng con được hưởng ơn Cứu độ. Nhưng xin Chúa giúp cho chúng con biết sống niềm tin vào Chúa bằng việc hoán cải và canh tân đời sống mỗi ngày theo những đòi hỏi cấp thiết của Lời Ngài. Amen.
14/12/11
thứ tư tuần 3 mv
Lc 7,16-23
dấu hiệu để nhận ra chúa
Ngài là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải chờ đợi Đấng nào khác?(Lc 7,19)
Suy niệm : Dân Do Thái thao thức trông đợi Đấng Cứu Tinh sẽ đến như lời Thiên Chúa đã hứa; thế mà khi Chúa Giêsu đến và ở giữa họ, họ lại không nhận biết. Họ đã mong đợi một Đấng Cứu Thế theo lối suy nghĩ của họ chứ không phải theo đường lối của Thiên Chúa. Chính vì mang cùng một lối suy nghĩ đó mà các môn đệ của Gioan Tẩy Giả đã rơi vào tâm trạng hoang mang về Chúa Giêsu: Ngài được giới thiệu là Chiên Thiên Chúa, nhưng liệu Ngài có phải là Đấng phải đến hay không? Chúa Giêsu đưa ra cho họ dấu hiệu để phân định bằng cách nhắc lại lời ngôn sứ Isaia: “…người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”
Mời Bạn : Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế để giải thoát con người ra khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi; nhưng con người lại mong chờ một cuộc giải phóng bằng quyền lực để thoả mãn những nhu cầu của họ ở trần thế này. Họ muốn thoả mãn khát vọng thống trị bằng tiền của và quyền lực. Con Thiên Chúa làm người trong khó nghèo, khiêm tốn để đem lại tình yêu, an bình và sự sống. Phải loại bỏ cái nhìn thế tục thì con người mới có thể nhận ra Con Thiên Chúa nhập thể trong thế gian.
Sống Lời Chúa : Kiểm điểm: Trong cách sống của tôi có điều gì đi ngược với tinh thần khiêm nhu, nghèo khó của Tin Mừng không?
Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin mở mắt đức tin cho con, để con nhận ra Chúa đang đến với con trong mỗi việc con làm, và trong từng người con gặp gỡ.
15/12/11
thứ năm tuần 3 mv
Lc 7,24-30
ngôn sứ bằng cả cuộc sống
“Thế thì anh em đi xem gì? Một vị ngôn sứ ư? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa.” (Lc 7,26)
Suy niệm : Ngôn sứ không phải chỉ là một cái tên, một chức vụ, nhưng là cả một đời sống: ngôn sứ là người nói Lời Thiên Chúa, là người thi hành sứ mạng Thiên Chúa giao phó. Gioan Tẩy Giả không phải là con người dễ dãi, ba phải như cây sậy trước gió, cũng không phải là người đi tìm cuộc sống xa hoa trong cung điện nhưng là người dám chấp nhận lối sống đạm bạc, đơn sơ khó nghèo, ăn châu chấu, uống mật ong và hơn thế nữa, chấp nhận tù đày và mất mạng khi dám nói lên sự thật, lên án lối sống vô luân của vua Hêrôđê. Chính vì thế, Chúa Giêsu xác nhận Gioan là ngôn sứ và “còn hơn cả ngôn sứ nữa.”
Mời Bạn : Nếu chỉ để phổ biến một thông tin thì Gioan hà tất phải sống như thế và phải chết như thế. Tự bản chất, Kitô hữu là một ngôn sứ. Tôi đã sống như một ngôn sứ của Chúa chưa? Hay chỉ là Kitô hữu trên chức danh mà thôi? Tôi có hành xử cách xuê xoa, “linh động” đến nỗi nhu nhược, thoả hiệp với sự xấu, không dám nói lời Thiên Chúa?
Chia sẻ : Thảo luận cách thực thi chức vụ ngôn sứ trong nhóm, đoàn thể của bạn. Thử đề nghị vài việc cụ thể: chia sẻ Lời Chúa trong nhóm, nhắc nhau sống đạo, rủ nhau làm việc tông đồ, v.v…
Sống Lời Chúa : Trong giờ kinh của gia đình và nhóm của bạn, cầu nguyện cho một người anh em lương dân và tìm nhiều cách giới thiệu Chúa cho người đó.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã thông truyền cho con chức vụ Ngôn sứ cao cả của Chúa trong bí tích Rửa tội. Xin Chúa cho con luôn ý thức mỗi ngày và cố gắng chu toàn sứ mạng đó trong từng phút giây của đời sống.
16/12/11
THỨ sáu tuần 3 MV
Ga 5,33-36
NGỌN ĐÈN VÀ ánh sáng
“Ông Gioan là ngọn đèn cháy sáng.” (Ga 5,35 )
Suy niệm : Thánh Gioan Tẩy Giả là “bản lề” giữa Cựu Ước và Tân Ước. Ông là “ngọn đèn” để dọn đường, dẫn đưa mọi người đến với Đức Kitô, Nguồn Ánh Sáng thật: “Ôngkhông phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1,8). “Ngọn đèn” ấy “làm chứng cho sự thật” nhưng không phải là “lời chứng” đúng nghĩa. “Lời chứng” duy nhất và lớn nhất chính là Đức Kitô, vì Ngài được sai đến để hoàn thành những việc Chúa Cha giao phó (c. 36): rao giảng Tin Mừng Nước Trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền và tỏ tình thương yêu với hết mọi người. Ngài đem đến cho con người Ánh Sáng của niềm vui ơn cứu độ.
Mời Bạn : Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu dọi”(Is 9,1). Đức Giêsu chính là ánh sáng bừng lên chiếu dọi cho con người, dẫn đưa họ khỏi cảnh đời tối tăm, và đi đến nguồn hạnh phúc chân thật. Ngài cũng mời gọi bạn: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14). Giáo Hội cần những Kitô hữu, gia đình, giáo họ (khóm), giáo xứ “hạt nhân,” để phản chiếu ánh sáng tình yêu và hy vọng từ Thiên Chúa cho mọi người.
Chia sẻ : Những bóng tối trong xã hội và trong cuộc đời bạn là gì? Có cần được ánh sáng Chúa Kitô soi chiếu không?
Sống Lời Chúa : Tôi sẽ thắp lên một ngọn đèn yêu thương, bác ái trong những ngày còn lại của Mùa Vọng này, để sưởi ấm cho những người lân cận, là hiện thân của Đức Giêsu.
Cầu nguyện : Hát “Để Chúa đến”: “Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến...”
17/12/11
thứ bảy tuần 3 mv
Mt 1,1-17
chim có tổ, người có tông
“Ông Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu, cũng gọi là Đấng Kitô.” (Mt 1,16)
Suy niệm : Đúng một tuần trước lễ Giáng Sinh, phụng vụ đưa ta đến gần hơn với Đấng sắp được sinh ra là Chúa Giêsu. Ngài có cha, có mẹ, có một dòng dõi như bao người. Dòng dõi này pha trộn ánh sáng và bóng tối, thánh thiện và tội lỗi, một dòng dõi cần được tiếp tục thanh tẩy để trở nên xứng đáng với ơn cứu chuộc của Thiên Chúa. Trong gia phả của Đấng Cứu Thế, vấn đề cốt lõi không phải là niềm tự hào hay mặc cảm về dòng tộc, nhưng là làm sao lời Thiên Chúa hứa với Ápraham và con cháu ông được trường tồn qua muôn thế hệ trong sự nhận biết và yêu mến Đấng đã tạo dựng nên họ.
Mời Bạn : Giả phả, lý lịch nhiều khi là trở ngại không nhỏ cho những người muốn tiến xa hơn trong xã hội. Vì vậy, có người đã cố tình quên đi hoặc khai man gốc tích của mình. Có kẻ lại tự hào quá đỗi đến độ coi thường và xem nhẹ hiện tại của người khác. Thực ra nếu mỗi thành viên không ý thức làm cho dòng dõi mình nên thánh thiện từ thế hệ này sang thế hệ khác, dòng tộc tự nó sẽ không thể cứu được ai hay làm cho ai nên thánh.
Chia sẻ : Bạn có gì để tự hào: tài năng, dòng tộc hay đời sống đạo hạnh của mình?
Sống Lời Chúa : Tôi sẽ noi gương Mẹ Maria: nói tiếng xin vâng để lời Chúa hứa, chân lý Chúa dạy được hiện thực nơi tôi.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, nếu như con không thể quên được gốc tích của mình thì xin cho con cũng đừng bao giờ quên rằng con là người Kitô hữu, là người được tái sinh nhờ phép Thánh Tẩy để thuộc về gia đình của Chúa. Amen.
18/12/11
chúa nhật tuần 4 mv – b
Mt 1,18-24
thiên chúa ở cùng chúng ta
“Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuen, nghĩa là: Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” (Mt 1,23)
Suy niệm : “Th ư ơng nhau, mấy núi cũng trèo, Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua .” Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng khi thương nhau, yêu nhau, người ta tìm mọi cách để đi đến, gặp gỡ và ở lại với nhau. Cũng vậy, vì quá yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã đến và ở lại với ta trong mầu nhiệm Nhập Thể làm người. Tình yêu là động lực thúc đẩy Ngài đi con đường dài nhất và cũng không tưởng nhất là con đường từ trời xuống thế, từ Thiên Chúa toàn năng trở thành một hài nhi yếu ớt. Cũng vì yêu thương, Ngài chấp nhận trở thành Emmanuen, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
Mời Bạn : Chúa đã đến và ở lại với chúng ta trong bí tích rửa tội khi ta trở thành con cái Chúa và đền thờ nơi Ngài ngự trị. Ngài tiếp tục ở cùng ta qua Lời Ngài, các bí tích, nhất là Thánh Thể. Bạn có cảm thấy sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa nơi bạn không?
Chia sẻ : Có những lúc bạn ước ao giá như đừng biết Chúa vì cảm thấy Thiên Chúa làm phiền bạn quá nhiều! Bạn muốn bỏ trốn khỏi Thiên Chúa, thậm chí muốn mời Người ra khỏi cuộc đời mình. Phải chăng vì sự hiện diện của Người cản trở và đi ngược lại với bản tính tự nhiên của bạn?
Sống Lời Chúa : Hãy cố gắng làm một việc tốt trong ngày để thể hiện lòng khao khát, mong chờ Chúa đến.
Cầu nguyện : Sốt sắng hát bài Để Chúa đến: “Xin cho lòng chúng con, không oán hờn và không ghen ghét. Xin cho lòng chúng con luôn quảng đại và luôn tha thứ. Xin cho lòng chúng con yêu mến người, yêu suốt đời...”
19/12/11
thứ hai tuần 4 mv
Lc 1,5-25
thái độ sẵn sàng của êlisabét
Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông Dacaria trở về nhà. Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.” (Lc 1,23-25)
Suy niệm : Mộtcâu chuyện có hậu, đẹp như cổ tích. Song trước khi có hậu thì nó đã có vẻ... không có hậu! Nghĩa là nó vốn éo le, đầy kịch tính: hai ông bà đều là người tốt lành trước mặt Thiên Chúa và người xung quanh; thế nhưng họ không có con, vì bà Elisabét là người hiếm hoi. Vả lại cả hai đều cao tuổi rồi. Điều gì đã diễn ra trong tâm hồn Êlisabét gần ngót cả đời người, ít là kể từ khi bà kết hôn? Làm vợ mà không được làm mẹ, trong xã hội Do Thái thời ấy, chắc chắn là “một nỗi hổ nhục trước mặt người đời.” Trong nỗi hổ nhục này, Êlisabét đã có thái độ ra sao? Cùng với chồng mình, bà vẫn sống “công chính trước mặt Thiên Chúa,” vẫn vâng giữ “mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì.” Cuối cùng, niềm vui đã đến. Niềm vui không ầm ĩ (c. 24), nhưng ngập tràn cõi lòng Êlisabét: Bà có thai và sắp được làm mẹ; hơn nữa, đứa con của bà được trao cho một vai trò rất đặc biệt trong chương trình của Thiên Chúa!
Mời Bạn : Nhìn lại bao lần mình phản ứng bốc đồng, kêu ca than oán khi gặp điều bất như ý xảy đến với mình. Chúa có cách của Ngài để rút điều tốt lành ra từ những gì tệ hại. Như Êlisabét, bạn hãy kiên trung tin tưởng vào Chúa.
Sống Lời Chúa : Hiện tại, bạn còn “cay đắng” với Chúa về điều gì? Hãy hóa giải bằng cách cầu nguyện chân thành cởi mở với Chúa.
Cầu nguyện : Hát “Trời cao hãy đổ sương xuống…”
20/12/11
thứ ba tuần 4 mv
Lc 1,26-38
thái độ sẵn sàng của maria
“Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)
Suy niệm : Maria không gật đầu bừa. Cô đã bối rối và chất vấn, được thuyết phục trước khi nói lên lời Xin Vâng ấy. Nhưng Maria đã được thuyết phục bởi chứng lý gì? Không phải vì nghe tin chị Êlisabét đã có thai (chị ấy tuy tuổi già nhưng ít ra cũng có việc vợ chồng!). Maria xin vâng vì tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Thì ra, lời chất vấn trên kia – “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” – chẳng hề có ý nghĩa chất vấn chút nào cả. Đó chỉ như chút ‘đủng đỉnh làm bộ’ thường thấy nơi các cô gái mà thôi. Bởi chất vấn là để đòi giải thích, để hiểu rồi mới chấp nhận; còn ở đây, lời sứ thần thực ra là lời mời gọi tin vào Thiên Chúa là Đấng “không có gì là không thể làm được.” Và rốt cuộc, Maria chấp nhận mà chẳng hiểu gì, chẳng hiểu bằng cách nào mình sẽ thụ thai, sinh con trai... Rồi sau này, suốt nhiều chục năm, cho đến tận lúc đứng dưới chân thập giá, Maria vẫn chẳng hiểu bằng cách nào mà Giêsu sẽ nên cao cả, sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, sẽ được Thiên Chúa ban cho ngai vàng Đavít, sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời... Điều duy nhất mà Maria hiểu, đó là hiểu rằng mình là nữ tì của Chúa, Đấng có thể làm được mọi sự.
Mời Bạn : Lắng nghe hai tiếng Xin Vâng của Đức Maria, và bắt chước ngài, bạn buông mọi khí giới chống chế của mình xuống.
Sống Lời Chúa : Lâu nay, bạn cảm nhận Chúa mời gọi mình điều gì và mình còn chống chế, chưa đáp trả? Có gì trở ngại để bạn bắt đầu đáp trả từ hôm nay không?
Cầu nguyện : Hát “Mẹ ơi, xin dạy con hai tiếng Xin Vâng...”
21/12/11
thứ tư tuần 4 mv
Thánh Phêrô Canisiô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 1,39-45
có phúc vì đã tin
“Phúc cho Bà vì đã tin rằng Lời Chúa phán sẽ được thực hiện.” (Lc 1,45)
Suy niệm : 1/ Đức Mẹ là Đấng được Chúa chúc phúc vì nhiều lý do. Hôm nay bà Isave cho chúng ta biết một lý do là “Phúc cho Bà vì đã tin rằng Lời Chúa phán sẽ được thực hiện.” Tin không phải chỉ là tin co Chúa. Ma quỷ cũng tin như vậy. Nhưng tin còn là và nhất là tin rằng Chúa trung thành với Lời Ngài đã phán. Trong biến cố Truyền Tin, Đưc Mẹ tin ngay vào lời sứ thần và mọi thắc mắc nghi vấn đều tan biến hết. Vì tin, nên những nguy hiểm có thể xay đến khi nói lời xin vâng -ví dụ như tiếng xấu, những đieu khó nói với thánh Giuse- Mẹ để cho Chúa lo liệu cả. Mẹ đã sống đức tin này, phó thác hoàn toàn đời mình cho Chúa trong tất cả những biến cố khác của đời mình. 2/ Đức tin không phải do tài năng của chúng ta, nhưng vì tin tưởng hoàn toàn vào quyền năng tuyệt đối của Chúa. Bao lần chúng ta từng kinh nghiệm rang với niềm tin, mình có thể vượt qua những điều tưởng chừng như không thể. Với đức tin, thì cấp độ càng nhân lên gấp bội, vì chính Chúa sẽ làm cho chúng ta.
Mời Bạn : Chúa phán cùng các môn đệ: nếu đức tin của con bằng hạt cải, chúng con có thể chuyển dời núi non. Những đỉnh núi bạn thường gặp nhất trong đời đó là gì? Làm sao để chinh phục?
Chia sẻ : Con mắt đức tin” có phải chỉ là nhìn xa trông rộng? Làm sao để chăm sóc con mắt này càng ngày càng sáng?
Sống Lời Chúa : Đức tin không hành động là đức tin chết (Gc 2,17).
Cầu nguyện : Lạy Chúa, nhờ lời cầu bầu của Đức Maria là mẫu gương tuyệt vời của đời sống đức tin, chúng con xin thưa như các Tông đồ ngày xưa: xin thêm lòng tin cho chúng con (Lc 17,5).
22/12/11
thứ năm tuần 4 mv
Lc 1,46-56
cuộc cách mạng âm thầm
“Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1,52)
Suy niệm : Trước khi các bản tuyên ngôn độc lập mang tính cách mạng của các quốc gia ra đời, Tin Mừng đã giới thiệu cho ta một văn bản đậm chất “cách mạng” hơn cả. Bài ca Magnificat không chỉ khởi xướng cuộc cách mạng sâu xa trong xã hội, trên thế giới, nhưng cả trong tâm hồn con người. Xã hội không còn giai cấp vì ta không được phép xem ai hèn kém hơn mình: mọi người đều là anh em, con cùng một Cha trên trời. Một thế giới thấm nhuần tinh thần Kitô giáo khi các công dân thế giới ấy biết sống chia sẻ: ta không được bình chân như vại an hưởng khi người lân cận đang thiếu thốn. Sâu xa hơn, chính mỗi người phải là “nhà cách mạng” của bản thân khi lật nhào bản ngã, dẹp bỏ cái tôi tự tôn tự đắc, để có thể sống khiêm tốn theo tinh thần Tin Mừng.
Mời Bạn : Bạn sợ hai chữ “cách mạng” vì hai chữ này gợi lên sự canh tân, đổi mới toàn diện. Đi theo Đức Giêsu, bạn phải là một “nhà cách mạng” trong cách suy nghĩ, lối sống và cái nhìn về người khác. Cung cách đầy tớ thay cho chủ nhân ông, phục vụ thay cho được phục vụ, hạ mình thay vì khoa trương tự kiêu... Mời bạn xét xem chất “Giêsu cách mạng” nơi bạn đã đủ chưa?
Sống Lời Chúa : Được gợi hứng do bài ca Magnificat, tôi sẽ tập làm một cuộc “cách mạng” nhỏ: cố gắng hạ bệ cái tôi, lấy Chúa làm trung tâm đời sống thay vì cái tôi nhỏ bé của mình.
Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy bài học khiêm tốn yêu thương khi quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Xin cho chúng con luôn ghi nhớ hình ảnh “cách mạng” này, để chúng con khiêm tốn phục vụ nhau. A men.
23/12/11
thứ năm tuần 4 mv
Thánh Gioan Kêty, linh mục
Lc 1,57-66
đặt tên cho con
Họ tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không được! Phải đặt tên cháu là Gioan.” (Lc 1,60)
Suy niệm : Gioan trong tiếng Do Thái có nghĩa là “Thiên Chúa thương xót.” Sinh con trong lúc tuổi đã cao chẳng phải là ân ban của Thiên Chúa hay sao? Vì thế việc đặt tên cho con không theo thông lệ âu cũng là chuyện dễ hiểu đối với những người trong cuộc (bà Êlisabét và ông Dacaria). Tên trở thành biểu tượng của ơn huệ Thiên Chúa. Tên tiên báo số phận tương lai của con người, nhất là trong Thánh Kinh. Tên khích lệ con người sống xứng đáng với ý nghĩa mà tên gợi ra. Tên chính là người.
Mời Bạn : Chẳng có cha mẹ nào đặt tên không đẹp cho con cái. Khi đặt tên, cha mẹ kỳ vọng con mình sẽ sống tốt theo như ý nghĩa mà tên biểu thị. Bạn có ý thức điều ấy để làm cho cha mẹ mình thoả lòng mong ước không?
Chia sẻ : Là người Công Giáo, ngoài tên gọi ta còn có tên thánh được đặt ngày rửa tội. Có người còn đặt thêm một vị thánh mình yêu mến liền với tên thánh rửa tội nữa. Chúng ta phải làm gì cho xứng với những tên được mang ấy hay chỉ để cho “kêu” mà thôi?
Chia sẻ : Bạn có cảm nghiệm được Thiên Chúa là “Đấng Thương Xót” trong cuộc đời bạn không? Mời bạn chia sẻ với nhóm cảm nghiệm của mình.
Sống Lời Chúa : Sống đạo không chỉ là cầu nguyện-xin ơn, mà còn phải biết nhớ lại những ơn Chúa ban cho mình trong quá khứ để sống tốt hơn cho hiện tại và tương lai.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, con không dám xin cho mình được “danh bất hư truyền,” nhưng chỉ xin Chúa cho con được có tên trong sổ hằng sống ngày con đến trình diện Chúa thôi! Amen.
24/12/11
thứ bảy tuần 4 mv
Lc 1,67-79
ca ngợi chúa là một hồng ân
“Bấy giờ, người cha của em, tức là ông Dacaria, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri.” (Lc 1,67)
Suy niệm : Được đầy ơn Chúa Thánh Thần, ông Dacaria đã hát bài ca chúc tụng Thiên Chúa, loan báo rằng Con Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người và mang ơn cứu độ cho họ. Tự khả năng riêng của con người, Dacaria và cả chúng ta, không ai có thể cầu nguyện và chúc tụng Thiên Chúa được. Thư Rôma đã xác định với chúng ta điều đó: “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên xiết khôn tả” (Rm 8,26). Bởi đó, được ca ngợi Thiên Chúa là một hồng ân.
Mời Bạn : Sự kiện “Vầng Đông viếng thăm dân Ngài” mà ông Dacaria tán tụng đã xảy ra cách đây 2000 năm và cứ mỗi độ Giáng Sinh về, chúng ta lại tưởng niệm mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người. Bầu khí của ngày chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh, cùng với những bài thánh ca, tạo nên một sắc thái đặc biệt khiến lòng người rộn lên niềm vui mong chờ ngày lễ Chúa Giáng Sinh. Thế nhưng, niềm vui phát xuất từ thẳm sâu tâm hồn, làm cho tâm hồn mình như hoà quyện với bầu khí rộn rã khát mong Vầng Đông đến viếng thăm là thứ niềm vui từ trên ban cho. Niềm vui sâu xa tràn ngập tâm hồn và được bày tỏ qua hành động ấy chỉ được ban cho bạn qua tác động và phát xuất từ Chúa Thánh Thần.
Sống Lời Chúa : Cầu xin Chúa Thánh Thần mở trí mở lòng để chúng ta có thể ca ngợi Thiên Chúa qua mầu nhiệm Giáng Sinh.
Cầu nguyện : Hát kinh Chúa Thánh Thần.
25/12/11
chúa nhật
Chúa Giáng Sinh
Ga 1,1-18
đức giêsu, ngôi lời làm người
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14)
Suy niệm : Lời của Thiên Chúa đã tạo thành vạn vật hữu hình và vô hình. Lời ấy cũng theo sát lịch sử dân Chúa, thánh hóa, hướng dẫn và nâng đỡ dân Chúa. Tuy vậy, Thiên Chúa còn muốn bày tỏ sự liên đới và yêu thương với loài người hơn nữa, nên Lời của Ngài trở thành xác phàm để hiện diện giữa loài người. Lời của Thiên Chúa làm người chính là Chúa Giê-su. Nơi Chúa Giê-su, mọi điều Thiên Chúa muốn nói với con người được diễn đạt rõ ràng, xác thực, trọn vẹn và đem lại sự sống. Chúa Giê-su là Lời yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người đầy đủ nhất. Chính vì thế, Giáo Hội thờ kính Lời Chúa cách long trọng như thờ kính Thánh Thể Chúa, vì Lời Chúa là chính Ngài.
Mời Bạn : Lời của Chúa được cất lên sống động trong phụng vụ và trong những lúc tín hữu đọc Lời Chúa. Vì thế, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã kêu gọi mọi tín hữu chuyên cần đọc, lắng nghe, suy gẫm và sống Lời Chúa. Gia đình bạn và cá nhân bạn đã hưởng ứng lời mời gọi này thế nào? Bạn dành mỗi ngày bao nhiêu thời gian để lắng nghe Chúa nói với bạn? Nếu chưa, hôm nay bạn hãy bắt đầu, để Chúa Giê-su nói được lời của Ngài vào đôi tai bạn, dùng lời Ngài làm cho bạn thêm tình mến và ban Thần Khí Ngài để đôi tay bạn thực hành Lời Chúa.
Chia sẻ : Nói với nhau về kinh nghiệm lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa.
Sống Lời Chúa : Quỳ trước hang đá, nhìn ngắm Hài Nhi và đọc đoạn Tin Mừng hôm nay với niềm xác tín: Lời Chúa đã làm người nơi Đức Giêsu.
Cầu nguyện : Hát Hang Bê Lem: “Hát khen mừng Chúa giáng sinh ra đời…”
26/12/11
thứ hai tuần bát nhật
Thánh Têphanô, phó tế, tử đạo
Cv 6,8-10;7,54-60
tái hiện sự tha thứ
Họ ném đá Têphanô đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con.” Rồi ông quỳ xuống kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi, ông an nghỉ. (Cv 7,59-60)
Suy niệm : Thánh Têphanô là một thầy phó tế và là vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội. Ngài là người làm tái hiện sự tha thứ mà Chúa Giêsu đã thực hiện trên thánh giá. “Lấy ân trả oán” là phương châm hành động của thánh Têphanô. Không có cách trả thù nào cao quý hơn bằng yêu thương, tha thứ cho chính kẻ thù. Lấy bạo động để đáp lại bạo động, con người chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa hận thù và kích thích thêm bạo động mà thôi. Chỉ có tình thương, chỉ có lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù. Têphanô đã làm như Chúa Giê-su đã làm: “Trên thập giá, Chúa đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16).
Mời Bạn : Chỉ có một cuộc cách mạng duy nhất có thể cứu vãn được nhân loại: đó là cuộc cách mạng bằng yêu thương và tha thứ mà Chúa Giêsu đã đề ra. Chỉ có cuộc cách mạng tình thương ấy mới có thể tiêu diệt được hận thù. Đó là cuộc cách mạng mà người Kitô chúng ta cần phải đeo đuổi mỗi ngày. Thay vì tiêu diệt kẻ thù, chúng ta hãy tiêu diệt chính sự thù hận trong tâm hồn chúng ta.
Chia sẻ : Điều gì khiến bạn không thể tha thứ được?
Sống Lời Chúa : Hãy nói: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” mỗi khi bạn bị ném những viên đá vu vạ hay thêu dệt bịa đặt.
Cầu nguyện : Lạy Chúa xin ban ơn sức mạnh để con biết tha thứ cho người xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của con. Xin cho con biết nói lời tha thứ như thánh Têphanô mỗi khi con không muốn thứ tha. Amen.
27/12/11
thứ ba tuần bát nhật gs
Thánh Gioan, tông đồ, tác giả sách Tin Mừng
Ga 20,2-8
tin mến chúa
“Người môn đệ Chúa yêu..., ông đã thấy và đã tin.” (Ga 20,2.8)
Suy niệm : Trong Phúc Âm thánh Gioan không có trình thuật nào về biến cố Chúa sinh ra. Vậy mà Giáo Hội lại mừng kính lễ thánh Gioan tông đồ ngay tuần bát nhật Giáng Sinh, và lại đọc cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng về sự Phục Sinh của Chúa. Nhờ đâu hai mầu nhiệm Nhập Thể-Cứu Chuộc nối kết với nhau? Thưa nhờ đức Tin và đức Mến. Chính Gioan đã viết trong thư của ngài: “Thần khí nào tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa” (1Ga 4,2). Mến tin mầu nhiệm Nhập Thể dẫn đến mến tin mầu nhiệm Phục Sinh. Hai nhân đức đối thần này bao phủ cuộc sống của Gioan. Quả thật, chính thấy lòng mến thúc đẩy Gioan chạy như bay đến mộ, và khi thấy ngôi mộ trống thì Gioan liền tin Chúa đã phục sinh. Nơi Gioan, tin dẫn đến mến, và mến củng cố tin thêm vững mạnh.
Mời Bạn : Gương tin mến của thánh Gioan mời gọi bạn kiểm tra lại lòng tin mến Chúa của bạn: đó không phải là một niềm tin chung chung và trên lý thuyết, nhưng là một lòng tin trở nên sống động nhờ lòng mến, được thể hiện qua toàn bộ cuộc sống của chính bạn.
Chia sẻ : Bạn có thể làm gì để thể hiện niềm tin yêu của bạn đối với Chúa, qua những người nghèo khổ, nhỏ bé, bất hạnh là hiện thân của Chúa Hài Đồng đói khát lạnh rét của ngày hôm nay?
Sống Lời Chúa : Tham dự thánh lễ và rước lễ hàng ngày mỗi khi có thể vì bí tích Thánh Thể vừa là mầu nhiệm đức tin, vừa là bí tích tình yêu.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin giúp chúng con noi gương tin mến của thánh Gioan để lòng tin mến đó thúc đẩy và định hướng cuộc đời kitô hữu chúng con.
28/12/11
thứ tư tuần bát nhật gs
Các Thánh Anh Hài
Mt 2,13-18
hài nhi xưa và nay
Bấy giờ, Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận từ hai tuổi trở xuống. (Mt 2,16)
Suy niệm : Vua Hêrôđê, kẻ có quyền và đã lạm quyền. Giận các nhà chiêm tinh để rồi trút giận lên các sinh linh vô tội. Hằng trăm hài nhi phải chết để thoả mãn cơn giận của chỉ một con người. Chuyện thật vô lý, không thể chấp nhận. Đó là chuyện ngày xưa, thế nhưng bi đát thay, ngày nay vẫn còn đang tiếp diễn. Ngày xưa, chỉ xảy ra một lần. Ngày nay, nó lại đang xảy ra liên tục trên khắp cùng thế giới. Hằng ngày không thể đếm được bao nhiêu sinh linh đã bị con người tước đi quyền sống. Ngày xưa các hài nhi bị giết bởi tay bạo chúa xa lạ, còn ngày nay các thai nhi bị giết bởi tay người mẹ nhẫn tâm. Ngày xưa, các hài nhi vẫn còn một chút tiếng khóc để chống trả, còn ngày nay các thai nhi đành chết một cách thầm lặng, vô phương tự vệ.
Mời Bạn : Một con người dù có thế nào đi nữa, dù là tội lỗi, bệnh tật, hay chỉ là một phôi thai nhỏ bé, vẫn là hình ảnh của Chúa. Vì thế nó có phẩm giá cao trọng buộc người khác phải tôn trọng. Người ta sẽ đánh mất sự tôn trọng đó khi họ sống ích kỷ, chỉ biết riêng mình; vì lúc đó họ sẽ coi người khác như đồ vật phục vụ cho lợi ích của mình: khi nó trở thành bất lợi, họ sẽ vất bỏ, huỷ diệt nó, không thương tiếc. Phần bạn thì sao?
Sống Lời Chúa : Tích cực dấn thân trong các hoạt động bảo vệ sự sống và thai nhi trong giáo xứ của bạn.
Cầu nguyện : Nguyện xin Hài Nhi Giêsu soi sáng hướng dẫn mọi người ý thức được sự cao trọng của thiên chức làm cha làm mẹ, để họ biết chăm lo hoàn thành trọng trách nuôi dưỡng và giáo dục con cái nên người hữu dụng.
29/12/11
thứ năm tuần bát nhật gs
Thánh Tôma Béckét, giám mục, tử đạo
Lc 2,22-35
ước mong thấy chúa
“Xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ.” ( Lc 2 , 29-30 )
Suy niệm : Một bà lão gặp vị linh mục và nói: Thưa Cha, con đã cầu nguyện rất nhiều, con chỉ mong thấy Chúa một lần là đủ cho con, nhưng Chúa chưa nhận lời. Ước mong đơn sơ của bà thật sự gói trọn niềm hy vọng của người kitô hữu; bởi cùng đích của cuộc đời chúng ta là gặp gỡ và kết hợp trọn vẹn với Chúa. Mặt khác, lời cầu xin đó cũng khiến chúng ta giật mình, bởi nhiều khi chúng ta tin Chúa Giêsu là Đấng cứu độ, nhưng cuộc sống của chúng ta lại không nói lên niềm trông đợi Chúa đến. Gương sống của cụ Simêon thật đáng để chúng ta noi theo: cụ chờ đợi Chúa không chỉ một vài “mùa Vọng” nhưng là suốt cuộc đời; cuộc đời công chính sùng đạo, cụ để cho Chúa Thánh Thần hằng ngự và dẫn dắt; điều đặc biệt nữa đó là, cụ tin vào lời Thánh Thần linh báo. Và đến cuối đời, cụ đã được phần thưởng xứng đáng là ẵm Chúa Hài Đồng. Cụ đã thấy ơn cứu độ và chỉ xin được an bình ra đi.
Mời Bạn : Cụ già Simêon được diễm phúc thấy và ẵm Hài Nhi trên tay. Còn chúng ta, chúng ta có thể rước Chúa Thánh Thể vào lòng. Vấn đề là, chúng ta có sùng đạo và những ước mong thấy Chúa như cụ Simêon không?
Sống Lời Chúa : Mỗi tối trước khi ngủ, tôi hướng về Chúa và lặp lại lời của cụ Simêon: “Lạy Chúa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi, vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ.”
Cầu nguyện : Lạy Chúa! Đôi khi trong đời của con cũng được khơi lên khát vọng gặp Chúa, nhưng điều đó đến với con không liên lỉ, bởi vì con chưa sùng đạo và ước mong gặp Chúa như cụ Simêon. Xin giúp con hằng trông đợi Chúa trong suốt cuộc đời. Amen .
30/12/11
Thứ sáu tuần bát nhật gs
Lễ Thánh Gia
Mt 2,13-15.19-23
vì tình thương và sự sống
Sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.” (Mt 2,19-20)
Suy niệm : Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, ngay từ lúc mới là một mầm sống thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria đã phải đối mặt với biết bao nhiêu nguy cơ chết yểu. Thánh cả Giuse và Đức Maria đã làm tất cả những gì có thể làm để bảo vệ sự sống quí giá ấy dù phải trả giá rất đắt: đem Hài Nhi trốn sang Ai Cập chỉ vì Hài Nhi bị tìm giết, đem Hài Nhi trở về cũng vì “kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.” Gia đình thánh gia chính là tổ ấm yêu thương nuôi dưỡng và bảo vệ cho mầm sống Giêsu lớn lên, hiến thân mình để trở nên nguồn sống vĩnh cửu cho muôn người.
Mời Bạn : Từ hình ảnh một thai nhi bị phá với hai bàn tay chắp lại, nhà thơ Xuân Vũ Trần Đình Ngọc viết lên những vần thơ chan hoà nước mắt:
“Con nằm đây, hai tay chắp, khẩn cầu
… lạy Mẹ Cha trăm ngàn lạy nữa
Hãy để con… cho con được sinh ra!
Gia đình ngày nay lắm khi không còn là nơi vun đắp tình thương và bảo vệ sự sống; những sinh mạng con người vô tội bị truy lùng ngay từ khi còn trong trứng nước, và bị lôi ra khỏi lòng mẹ để bị tiêu diệt với sự đồng ý của chính những người là cha mẹ mình. Xin bạn đừng vô cảm, nhưng hãy dũng cảm gọi đó là một trong những tội ác lớn nhất mà con người đã từng phạm. Và mời bạn làm những gì tốt đẹp nhất để các gia đình, bắt đầu từ gia đình bạn, trở thành nơi của tình thương và sự sống.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, con ước ao dâng hiến chính mình con để đền tạ biết bao tội ác con người đã làm xúc phạm đến sự sống.
31/12/11
thứ bảy tuần 1 gs
Thánh Silvester I, giáo hoàng
Ga 1,1-18
chiêm ngắm ngôi lời
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14)
Suy niệm : Tựa như khúc nhạc dạo của bản giao hưởng, phần Lời Tựa Tin Mừng của thánh Gioan cho ta một thoáng nhìn về những đề tài sẽ được triển khai sau này như sự sống, ánh sáng, sự thật, vinh quang, thế gian… cũng như giới thiệu chủ đề căn bản của sách Tin Mừng: Đức Giêsu là Đấng Mạc Khải hoàn hảo của Thiên Chúa, để rồi rốt cuộc, con người hoặc chối từ hoặc đón nhận Ngài. Phần Lời Tựa này đã khéo léo trình bày cho ta bản sơ yếu lý lịch của Đức Giêsu để ta có một cái nhìn xuyên suốt về Ngài. Ngài là Ngôi Lời ở trong Thiên Chúa trước khi vũ trụ được tạo thành, Ngài xuống thế làm người qua mầu nhiệm nhập thể để chúng ta  trở nên con Thiên Chúa. Cuối cùng, sau khi hoàn tất công trình cứu độ, Ngài trở về với Thiên Chúa.
Mời Bạn : Bản sơ yếu lý lịch mang hình parabôn này cho bạn thấy vinh quang cao cả của Ngôi Hai Thiên Chúa cũng như sự hạ mình tột bậc của Ngài khi nhập thể làm người (đáy parabôn), để ban ân sủng và sự thật của Thiên Chúa cho bạn. Suy ngắm sự kiện này, ước mong bạn sẽ sững sờ, trái tim bạn rộn ràng niềm vui của người con cái Chúa.
Sống Lời Chúa : Trong mùa Giáng Sinh này, tôi sẽ dành thời gian quỳ cầu nguyện bên cạnh hang đá, chiêm ngắm và cảm tạ Ngôi Lời nhập thể làm người nơi Hài nhi Giêsu.
Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa, chúng con quỳ bên máng cỏ, chiêm ngắm Chúa nơi hình dáng nhỏ bé khiêm hạ của Hài Nhi Giêsu. Chúng con cảm tạ Chúa đã thương trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng con. Xin cho chúng con thật sự trở nên người con cái Chúa. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét